Tôi và Hải, không ai thuộc chuyên ngành bệnh nhiệt đới hay y tế công cộng - những chuyên ngành chỉ huy công cuộc chống dịch Covid-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi lần lượt đi chống dịch từ Huế, Phú Yên, Hà Tĩnh rồi Bình Dương, TP HCM, Bình Định... và cuối cùng đang "trấn thủ" Hà Thành.
Đi nhiều, làm nhiều, đối mặt nhiều tình huống cam go, chúng tôi mày mò đọc, học hỏi, chia sẻ với đồng nghiệp ở mọi chuyên ngành, nhiều quốc tịch. Chính điều này đã thôi thúc cả hai cùng chủ biên một cuốn sách về Covid-19.
Ban đầu, tôi và Hải dự định chia sẻ kiến thức về hồi sức cấp cứu bệnh nhân mắc Covid - mảng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhưng rồi dịch chuyển biến quá nhanh, "Zero Covid" buộc phải chuyển sang chung sống thích ứng an toàn, chúng tôi quyết định mời thêm nhiều người ở chuyên ngành khác cùng viết sách để làm cơ sở ra đời ngành Covid học.
Nhóm tác giả biên soạn cuốn "Chẩn đoán và điều trị Covid-19" thuộc nhiều chuyên ngành, bệnh viện, địa phương. Lứa tuổi, kinh nghiệm cũng như học hàm, học vị cũng rất khác, nhưng cùng chung nhiệt huyết, quyết tâm ra đời một sản phẩm hữu ích cho ngành Y nước nhà.
Có những người rất trẻ, chỉ mới tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện, lại là những thành viên tích cực nhất. Có tác giả đang bị nhiễm Covid-19 vẫn miệt mài viết từ chính kinh nghiệm bản thân mình. Nhiều tác giả thuộc chuyên ngành chống nhiễm khuẩn, y tế công cộng, sản khoa, dược lý, phục hồi chức năng, tâm thần học... hai vị chủ biên chúng tôi chưa gặp ngoài đời bao giờ, nhưng khi được mời đã hoàn thành bản thảo rất nhanh và chất lượng.
Và chúng tôi cùng lập một kỷ lục. Từ khi Phó giáo sư Hoàng Bùi Hải đề xuất ý tưởng cho đến khi bản thảo gần 900 trang vào nhà in chỉ không đầy bốn tháng. Chỉ có Covid mới buộc tất cả trôi nhanh đến vậy.
Đến tuần cuối cùng của năm cũ, tôi mới nhận ra, năm 2021 của tôi lướt qua nhanh đến nỗi, mọi việc tưởng như bộ phim vừa xem trong giây lát.
Một cái Tết con Trâu vui vầy với thành quả chống dịch được thế giới khen ngợi. Những sách lược thành công, những anh hùng chống dịch, chiến thuật đánh đuổi giặc Covid với mục tiêu "zero Covid" ở mọi ngóc ngách Việt Nam được coi là thành công mỹ mãn... Cho đến những ngày cuối tháng tư, sắp bước vào nghỉ lễ, ổ dịch chủng mới Delta phát hiện ở TP HCM.
Với những gì virus gây ra ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, chính bản thân tôi là người ủng hộ "zero Covid" khi chương trình tiêm chủng diện rộng chưa bắt đầu. Chúng tôi đã nhắn tin, gọi điện tới các vị lãnh đạo xin được giãn cách xã hội dù ngắn ngày để gói gọn "con Delta" vô cùng phức tạp này.
Biết bao cố gắng của cả hệ thống và toàn dân đã đổ ra, nhưng hậu quả của cơn bão tràn qua thật khủng khiếp mà một người ở tâm dịch suốt ba tháng như tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Những tổn thất là bài học đắt giá mà chúng ta luôn phải ghi nhớ. Những cường quốc y tế với phương tiện cấp cứu hồi sức hiện đại còn không giảm được tỷ lệ tử vong khi dịch bùng phát, trong khi một hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương còn thiếu và yếu như chúng ta làm sao xoay chuyển được tình hình? Ai cũng thấy sự dũng cảm và ý chí của những người tham gia chống dịch, nhưng với "vũ khí" thô sơ, ta đã không ngăn được cơn đại hồng thủy. Chúng ta đã không giữ lại được nhiều mạng sống cho người dân Nam bộ trong những tháng hè khốc liệt năm qua.
Những tháng cuối năm này, số ca nhiễm vẫn tăng chóng mặt, nhưng tình huống đã hoàn toàn khác. Vaccine đã được phủ diện rộng và tỷ lệ tử vong rơi chủ yếu vào nhóm chưa tiêm, bệnh nền nguy hiểm. Hệ thống y tế cũng đã kinh nghiệm hơn với việc phát hiện và điều trị ca tăng nặng. Việc điều trị cách ly người nhiễm tại nhà đã được xã hội chấp nhận. Tâm lý nghi kỵ người nghi nhiễm đã không còn vì ai trong chúng ta cũng có thể là F0 hay F1.
Phải làm gì để một năm mới tốt đẹp hơn? Như cuốn sách về Covid sắp xuất bản, tôi tin rằng chiến lược coi Covid như một bệnh, một chuyên khoa là hướng đi tất yếu trong thời kỳ thích ứng an toàn - cụm từ tôi tâm đắc.
Có xem Covid như một bệnh lý chuyên khoa, ta mới có thể yên tâm quay lại cuộc sống bình thường. Chỉ khi nắm chắc được sinh bệnh học, diễn biến tự nhiên và các biến chứng... tỷ lệ tăng nặng và tử vong sẽ được khống chế. Covid -19 sẽ như những đại dịch bùng phát dữ dội rồi thoái triển thành một loại cúm mùa mà lịch sử nhân loại từng chứng kiến.
Để được an toàn, chúng ta cần thay đổi cách đối xử với y tế. Củng cố lại hệ thống chữa bệnh từ cấp nhỏ nhất là phường, xã, huyện; xây dựng khoa truyền nhiễm tách khỏi khu điều trị thông thường từ các bệnh viện huyện đến trung ương; trang bị máy móc, thuốc men, phương tiện phòng hộ, kit test... đầy đủ là nhiệm vụ của cả chính quyền chứ không riêng ngành Y.
Đầu tư nhiều hơn vào con người với việc đào tạo nhân viên y tế bài bản, bảo đảm thu nhập và tạo hướng đi để phát triển chuyên môn là căn cơ để có một ngành Y thành công trong mắt xã hội. Nếu còn để những bác sĩ trẻ ra trường nhận lương tháng 5 triệu đồng và tiền chống dịch từ tháng 7/2021 vẫn chưa về tài khoản, chúng ta có lỗi.
Cuối cùng là đầu tư vào khoa học. Việt Nam có thể thúc đẩy chuyên ngành Covid học; nghiên cứu, thử nghiệm và tự sản xuất vaccine một cách bài bản; phối hợp sản xuất các thuốc kháng virus chất lượng và giá thành phù hợp ngay trong năm 2022. Khi các hướng dẫn khoa học và dễ hiểu được cập nhật liên tục, người dân không hoảng loạn bấu víu vào những luận cứ phi khoa học nữa.
Những việc quan trọng này, chỉ một mình Bộ Y tế loay hoay không thể thành công. Sự đồng thuận từ trên xuống dưới của mọi cấp chính quyền theo tôi là chìa khoá để mở ra một năm 2022 khác biệt cho đất nước.
Nguyễn Lân Hiếu