Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.
Tổng thống Putin đã ra quyết định gì?
Hai khu vực được Putin công nhận độc lập gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tự xưng. Nga bị cáo buộc cung cấp tài chính, vũ khí cho lực lượng ly khai và kiểm soát chính trị với những vùng đất này từ năm 2014, điều Moskva luôn bác bỏ. Đến trước ngày 21/2, Nga vẫn coi Donetsk và Lugansk là lãnh thổ của Ukraine.
Trong sắc lệnh, ông chủ Điện Kremlin chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực này để "gìn giữ hòa bình", nhưng không nói rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ. Hiệp ước giữa Nga với DPR và LNR cũng cho phép Moskva xây dựng căn cứ quân sự và đặt tên lửa ở hai khu vực trên.
Điều này đánh dấu lần thứ hai quân đội Nga triển khai đến khu vực thuộc lãnh thổ Ukraine trước năm 2014. Tuy nhiên, Nga không sáp nhập Donetsk và Lugansk vào lãnh thổ như với bán đảo Crimea, mà coi đây là hai thực thể độc lập với chính phủ Ukraine.
Trong cuộc họp báo tại Mosvka ngày 22/2, Putin nói rằng quyết định điều quân đến miền đông Ukraine "phụ thuộc vào tình hình thực địa".
Vì sao Putin nhắm đến Ukraine?
Mặc dù không nêu rõ ý định chính xác đối với Ukraine, Putin giải thích quan điểm của Nga là biên giới Ukraine hiện nay chỉ tồn tại do sự tan rã vội vã của Liên Xô vào năm 1991, chưa xét đến mối quan hệ sâu sắc về văn hóa giữa Nga và Ukraine, thậm chí đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một nhà nước Ukraine độc lập.
"Đối với chúng tôi, Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần", Putin gửi thông điệp không chỉ đến người Nga, mà còn đề cập tới "những người đồng bào ở Ukraine". Ông cho rằng "miền đông Ukraine là lãnh thổ Nga trong quá khứ" và tin người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.
Tổng thống Nga cũng cho rằng Ukraine ngả về phương Tây sẽ là mối đe dọa với Nga, trong đó nước này vào NATO được coi là "lằn ranh đỏ" với Điện Kremlin. Cuối cùng, Putin dường như cũng muốn thể hiện rằng những cuộc cách mạng màu tại Ukraine năm 2004 và 2014 sẽ không mang lại kết quả về dài hạn.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Quyết định của Putin đã kết thúc Thỏa thuận Minsk, văn kiện nhằm mục tiêu giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine bằng biện pháp hòa bình, đồng thời vô hiệu hóa điều khoản ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai miền đông. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa hai bên kể từ năm 2014.
Quân đội Nga nhiều khả năng sẽ được điều động đến miền đông Ukraine trong tương lai gần. Putin hôm 22/2 cho biết Moskva sẽ "thực thi nghĩa vụ nếu cần thiết" khi được hỏi về khả năng Nga triển khai lực lượng đến miền đông Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko trước đó nói rằng nước này chưa có kế hoạch triển khai quân đến các vùng ly khai Ukraine, nhưng sẽ hành động nếu xuất hiện "mối đe dọa". Quan chức Nga nói rằng hiệp ước có điều khoản về "viện trợ quân sự" và kêu gọi các bên tránh đồn đoán về hoạt động triển khai lực lượng của nước này.
Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Moskva công nhận độc lập của toàn bộ lãnh thổ hành chính tỉnh Donestk và Lugansk, trong đó có khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát với thành phố chiến lược Mariupol. Quân đội Nga có thể mở chiến dịch tiến công nhằm vào những khu vực ngoài lãnh thổ do phe ly khai Ukraine quản lý, khiến xung đột leo thang nghiêm trọng.
Phương Tây làm gì?
Các nước phương Tây đã lên án động thái của Nga và đang bắt đầu áp đặt lệnh vận nhằm vào Moskva. Tuy nhiên, mức độ nặng nề của các biện pháp này vẫn còn gây tranh cãi, trong khi Mỹ và đồng minh thể hiện rõ rằng họ sẽ không điều lực lượng đến lãnh thổ Ukraine.
Mỹ từng tuyên bố áp đặt các đòn trừng phạt nặng chưa từng thấy nếu Nga tấn công Ukraine, nhưng nó chỉ diễn ra nếu Moskva mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào các thành phố chủ chốt như Kiev và Kharkov. Công nhận độc lập của hai vùng ly khai và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vẫn bị coi là hành động leo thang, nhưng khó lòng kích hoạt những lệnh cấm vận nặng nhất được Mỹ chuẩn bị.
Hiện chưa rõ sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Donetsk và Lugansk có dẫn tới các đòn trừng phạt lớn nhằm vào Moskva mà Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo suốt nhiều tuần qua hay không.
Nguồn cung khí đốt ảnh hưởng thế nào đến khủng hoảng?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2 yêu cầu đình chỉ quá trình xem xét dự án Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức.
Dự án đường ống trị giá 11 tỷ USD được công bố năm 2015 và hoàn thành năm ngoái với chiều dài 1.230 km, dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Nó giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm.
Nord Stream 2 cung cấp giải pháp thay thế cho hệ thống đường ống cũ kỹ qua Ukraine, đồng thời giúp Nga hạ giá khí đốt nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển phải trả cho Ukraine. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho hay Nord Stream 2 sẽ giúp đáp ứng nhu cầu khí đốt giá phải chăng ngày càng tăng của châu Âu, trong khi châu Âu là thị trường rất quan trọng của Gazprom.
Tuy nhiên, đây cũng là dự án năng lượng gây chia rẽ nhất tại châu Âu, vấp phải sự phản đối trong nội bộ EU, cũng như Mỹ và Ukraine, với lý do Nord Stream 2 sẽ tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Moskva, cắt nguồn ngân sách cho Ukraine và khiến nước này dễ đối mặt với hành động quân sự từ Nga.
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Trừng phạt của phương Tây có làm khó Putin?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
Vũ Anh (Theo Guardian)