Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn, được Nguyễn Du soạn vào đầu thế kỷ 19. Tác phẩm được viết bằng thể song thất lục bát, đạt đến trình độ cổ điển với nghệ thuật bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt.
Văn bản được phát hiện khoảng đầu thế kỷ 20. Bài văn tế đã mô tả cảnh khổ đau của mọi hạng người trong xã hội, từ những kẻ quyền thế cao sang đến người xó chợ đầu đường. Tuy "mỗi người một nghiệp khác nhau" nhưng cầu Nại Hà thì không ai có thể không bước qua, chỉ là "kẻ trước người sau mà thôi.
Theo Từ điển Văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Văn học, 2018), tác phẩm dùng để đọc trong lễ cúng cô hồn trong ngày rằm tháng bảy âm lịch.
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quý ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương.
Tác phẩm theo trình tự lễ thức của một bài cúng tế, gồm 4 phần. Phần một gồm 20 câu nói lý do của việc lập đàn cúng để giải oan, cứu khổ cho các cô hồn. Phần 2 kể tên thập loại chúng sinh, tức là 10 loại cô hồn: Bị vua chúa giết, quý nữ liều thân, tể thần thất thế...Phần 3 nêu tình cảnh lang thang khốn khổ của các cô hồn, gọi cô hồn về nghe kinh. Phần 4 là lời cầu Phật giải thoát cho các cô hồn, mời cô hồn hưởng lễ cúng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội thời Lê mạt chính là nguồn nung nấu để hình thành nên tác phẩm. Qua bài văn tế, Nguyễn Du thể hiện là người có trái tim lớn "chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại". Sự phác hoạ về tình cảnh lang thang khốn khổ của các cô hồn chính là cuộc sống mù mịt, đói khổ, nheo nhóc ở cõi trần. Quan niệm Phật giáo về "bể khổ" ở đây được cụ thể hoá đến độ hiển nhiên.
Câu 5: Tập thơ nào được Nguyễn Du sáng tác sớm nhất trong ba tập thơ sau?