Tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, một số tác phẩm đậm chất dân gian như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và bài vè Thác lời trai phường nón.
Thơ chữ Hán gồm 3 tập thơ chính: Thanh Hiên thi tập 78 bài làm lúc ông đang sống lẩn tránh ở quê vợ và quê nhà Nghi Xuân (1786-1804); Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài là tập thơ sáng tác lúc ra làm quan với triều Nguyễn (1805-1813); Bắc hành tạp lục gồm 132 bài làm lúc phụng mệnh vua dẫn đầu đoàn đi sứ Trung Quốc (1813-1814).
Nếu hai kiệt tác Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh đề cập đến những vấn đề chung về thời đại, thơ chữ Hán của Nguyễn Du là những trang ký sự, nhật ký, những bài thơ trữ tình tự sự, ký thác tâm sự của tác giả.
Ở các tập thơ này, người ta tìm thấy một "tiểu sử nội tâm" của tác giả khác xa với tiểu sử bên ngoài, nhất là đoạn đời có vẻ hanh thông, thành đạt khi làm quan dưới triều Nguyễn. Quan trọng hơn, các tập thơ chữ Hán biểu hiện như một cá nhân trữ tình phong phú, một con người mà các trạng thái tư tưởng đầy mâu thuẫn. Từ những đổ vỡ của lý tưởng trung quân và các quan niệm về trách nhiệm của kẻ sĩ, tác giả đi tới nhận thức mang tính triết lý về cuộc đời và con người với tình cảm và thức nhận mang tính nhân đạo chủ nghĩa.
Ngoài ra, tương truyền, Nguyễn Du còn là tác giả một số câu hát đối đáp giao duyên lưu hành trong dân gian.