Theo sách Địa chí văn hóa TP HCM (tập 1, NXB TP HCM, 1987), Hồ Huân Nghiệp (1829-1864), tự Thiệu Tiên là nhà giáo tận tụy, gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên trên đất Gia Định xưa.
Ông quê ở làng An Định, tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc quận Tân Phú, TP HCM). Hồ Huân Nghiệp có ông nội là cụ Hồ Văn Thuận, ký lục trấn Phiên An; cha là Hồ Lợi, danh sĩ có khí tiết. Hồ Huân Nghiệp nổi tiếng văn hay chữ đẹp, sống có khí tiết, được nhiều người kính trọng.
Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (1859), quan quân nhà Nguyễn liên tiếp thua trận, Trương Định phải lui về đóng quân ở Tân Hòa (Gò Công), hội các nhân sĩ để định kế hoạch xướng nghĩa.
Hồ Huân Nghiệp đưa mẹ về Chợ Đệm (nay thuộc xã Tân Túc, huyện Bình Chánh), lấy vợ để mẹ có người phụng dưỡng rồi nhận lời Trương Định, giữ chức tri phủ Tân Bình để lo việc dân, việc quân.
Khi Gò Công bị Pháp tấn công, bản doanh thất thủ, nguyên soái Trương Định bị trọng thương, rút gươm tự sát tại Ao Dinh thì ông Nghiệp vẫn cùng lãnh đạo nghĩa quân gồm các trai làng Tân Túc, Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt, Tân Bửu, An Lạc, An Phú Tây và Bình Chánh đánh nhiều trận.
Tháng 4/1864, quân Pháp ập đến bắt ông, giải về huyện lỵ cũ huyện Tân Bình. Sau nhiều lần chiêu dụ không thành, Pháp đã hành quyết ông.
Câu 5: Đường Lương Nhữ Học (quận 5) cũng bị viết sai so với tên thật của một vị quan thời hậu Lê. Ông là ai?