Truyện ngắn Chiếc lược ngà được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi ông đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm được đưa vào tập truyện ngắn cùng tên, từng được giảng dạy trong chương trình Văn học bậc THCS.
Nhà văn kể chuyện từ nhân vật "tôi" - người chứng kiến câu chuyện, nhờ đó đã tạo được giọng điệu thủ thỉ, gợi cảm giác chân thực và gần gũi với người đọc.
Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến khi đứa con gái chưa đầy một tuổi. Tám năm sau, anh trở về thăm nhà nhưng con gái không chịu nhận anh. Anh háo hức bao nhiêu trong lần trở về này thì bé Thu càng cự tuyệt không nhận cha chỉ vì vết thẹo dài do chiến tranh trên mặt. Bé Thu đối xử lạnh nhạt với người cha như một người xa lạ khiến cho anh rất buồn phiền.
Sau khi nghe bà kể về nguyên nhân vết thẹo trên mặt ba, bé Thu mới vỡ òa nhận ra. Hôm sau anh Sáu ra chiến trường, Thu đã không cho ba đi, khăng khăng đòi giữ ở lại. Tình cảm cha con mãnh liệt bỗng nhiên trỗi dậy, hai cha con ôm lấy nhau khóc nức nở. Anh Sáu đi hứa sẽ trở về và tặng cho con gái một chiếc lược.
Ở chiến trường, anh Sáu đã tỉ mỉ lấy vỏ đạn đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Anh khắc lên chiếc lược dòng chữ "Yêu nhớ tặng Thu con của ba" và vẫn mong một ngày trở về tặng cho con gái.
Song chiến tranh khắc nghiệt, anh Sáu bị thương nặng. Trước lúc nhắm mắt, anh chỉ kịp trao lại cho người bạn thân thiết là anh Ba chiếc lược với lời nhắn hãy trao tận tay con gái. Thực hiện nguyện ước của bạn mình như đã hứa, anh Ba đã trao tận tay Thu chiếc lược khi cô đã là cô giao liên giỏi giang, dũng cảm mưu trí.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh Anh Giang. Năm 1946, ông đi bộ đội, làm liên lạc viên; hai năm sau đó đi học thêm văn hóa ở trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố.
Năm 1950, ông về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo. Ông cầm bút từ năm 1952 với truyện ngắn đầu tiên được in trên báo Văn nghệ năm 1956 là Con chim vàng.
Năm 1955, ông theo đơn vị tập kết ra Bắc, chuyển ngành về làm cán bộ phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ông là thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, từ đó công tác ở hội, làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học. Sau năm 1975, Nguyễn Quang Sáng về TP HCM, giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà văn TP HCM.
Trong sự nghiệp, ông viết trên 20 tác phẩm gồm tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, ký và tản văn.
Câu 2: Chị Sứ là nhân vật trong tác phẩm nào của nhà văn Anh Đức?