Nhà văn Anh Đức (1935-2014), tên thật là Bùi Đức Ái, quê huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Bùi Đức Ái rời gia đình, vào chiến khu miền Nam Việt Nam hoạt động từ khi còn trẻ. Ông tham gia viết văn từ năm 17-18 tuổi.
Năm 1953, ông được điều về làm báo Cứu quốc Nam Bộ. Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi. Sau đó, ông tập kết ra miền Bắc, tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn tại Hà Nội.
Theo phân công của Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi nhà văn có kinh nghiệm giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, đọc và góp ý bản thảo cho một cây bút trẻ tập kết. Người được giao kèm cặp Bùi Đức Ái là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Năm 1962, ông trở lại miền Nam, lấy bút danh Anh Đức. Nhà văn viết một loạt hồi ký, được chú ý nhất là loạt ký sự Bức thư Cà Mau. Dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân, Anh Đức phản ánh thực tế sống và chiến đấu của lực lượng kháng chiến tại Cà Mau và nhiều vùng khác của miền Nam.
Cũng trong thời gian này, nhà văn đến Kiên Giang và viết tiểu thuyết Hòn Đất, tác phẩm được xem là nổi tiếng nhất ông, được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét "Hòn Đất vẫn đúng là một hòn ngọc".
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là chị Sứ, được lấy nguyên mẫu từ chiến sĩ Phan Thị Ràng (1937-1962), người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Chị Sứ là con đẻ của Hòn Đất và là niềm hãnh diện của xóm làng. Ở chị Sứ, tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu thương những người thân, bà con hàng xóm láng giềng, yêu thương đồng chí, đồng bào. Nổi lên trên hết những phẩm chất tốt đẹp của chị là tấm lòng vị tha, sống vì người mình yêu thương.
Văn phong của Anh Đức được đánh giá là điềm đạm và thanh thoát. Ông không thi vị hóa chiến tranh mà tìm ra nét đẹp của con người trong hoàn cảnh tàn bạo nhất của chiến tranh.
Một số tác phẩm khác của ông: Biển động (tập truyện ngắn, 1952), Lão anh hùng dưới hầm bí mật (truyện ký, 1956), Một chuyện chép ở bệnh viện (bút ký, 1958), Biển xa (truyện ngắn, 1960), Bức thư Cà Mau (bút ký, 1965), Giấc mơ ông lão vườn chim (truyện ngắn, 1970), Đứa con của đất (tiểu thuyết, 1976), Miền sóng vỗ (truyện ngắn, 1985).
Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn Đất (trích đoạn) và Bức thư Cà Mau (trích đoạn) từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông.
Câu 3: Nhà văn nào được mệnh danh là "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học"?