Chợ Bến Thành có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định, ban đầu nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).
Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả: "Chợ Bến Thành, phố chợ, nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền".

Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20. Ảnh: Wikipedia.
Thời nhà Nguyễn, cả bốn mặt thành Gia Định đều có chợ. Phía đông là chợ hàng Đinh (nằm ở khoảng công viên Chi Lăng đến khách sạn Continental hiện nay), chợ Bến Nghé (chợ Sỏi), phía tây là chợ Vông (trên đường Nguyên Đình Chiểu và Điện Biên Phủ), phía nam là chợ Da Còm (khu vực Tòa án và Thư viện tổng hợp TP HCM), chợ Đũi (nằm trong khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh - Nguyễn Thị Minh Khai).
Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới có 100.000 dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới là một dãy nhà trống lợp ngói.
Tháng 2/1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860 người Pháp cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.
Đến tháng 7/1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian gồm gian thực phẩm, hàng cá, hàng thịt, hàng ăn uống và hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.
Tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn Từ Bến Nghé tới Sài Gòn cho biết, tới thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, sau khi kinh Charner đã lấp, việc dời chợ đến nơi mới hình như đã đến lúc cần kíp vì trung tâm thành phố đã hình thành tương đối và có thể vì muốn bộ mặt thành phố sạch đẹp hơn.
Chợ mới do Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa, còn gọi là chú Hỏa), một trong những đại gia Nam kỳ đầu thế kỷ 20 bỏ tiền xây. Hãng thầu Brosard et Maupin trúng thầu xây dựng chợ từ năm 1912 đến tháng 3/1914 thì hoàn thành.
Lễ khánh thành chợ Sài Gòn rất khí thế diễn ra trong ba ngày với xe hoa, pháo bông và hơn 100 nghìn người tham dự.
Câu 3: Tòa nhà dưới đây là một công trình độc đáo ở TP HCM, hiện là trụ sở của cơ quan nào?
