Thuỵ Điển 8-0 Cuba (World Cup 1938)
Có 34 quốc gia đăng ký dự kỳ World Cup thứ ba, nhưng 13 trong số đó rút lui trước giải. Họ chủ yếu là các quốc gia châu Mỹ, vốn tẩy chay giải vì tổ chức hai kỳ World Cup liên tiếp ở châu Âu (Italy 1934 và Pháp 1938). Cuba, nhờ đó, được dự VCK World Cup mà không cần dự vòng loại.
World Cup 1938 không có vòng bảng, mà 16 đội bắt đầu đá từ vòng 1/8. Cuba gặp Romania ở lượt đầu tiên. Dù có hai lần vượt lên, họ vẫn bị cầm hoà 3-3. Ở trận đá lại, Cuba thắng ngược đối thủ với tỷ số 2-1. Trong khi đó, Thuỵ Điển vào thắng tứ kết do Áo rút lui, kết quả từ việc bị Đức thôn tính.
Đụng độ tại thành phố Antibes, Cuba chịu thiệt về mặt thể lực khi đã phải chơi tổng cộng 210 phút trước Romania. Họ bị đè bẹp với tỷ số 0-8. Nhưng đến bán kết, Thụy Điển phải nhận thất bại 1-5 trước Hungary.
Bồ Đào Nha 5-3 Triều Tiên (World Cup 1966)
Ở vòng loại khu vực Phi - Á - Đại Dương, Hàn Quốc rút lui còn Nam Phi bị cấm tham dự vì chế độ Apartheid. Nhờ đó, Triều Tiên chỉ cần đấu hai lượt với Australia để dự VCK. Họ vùi dập đối thủ với tổng tỷ số 9-2 tại Phnom Penh (Campuchia).
Ở VCK diễn ra trên đất Anh, Triều Tiên cùng bảng Liên Xô, Italy và Chile. Sau khi thua Liên Xô 0-3 lượt đầu và hòa Chile 1-1 lượt hai, đại diện châu Á bất ngờ quật ngã Italy 1-0 tại Middlesbrough và qua vòng bảng.
Cũng như Triều Tiên, Bồ Đào Nha lần đầu dự World Cup. Sở hữu Quả Bóng Vàng 1965 - Eusebio, họ vượt qua bảng đấu khó với Brazil, Hungary và Bulgaria. Trận tứ kết cho thấy màn ngược dòng ấn tượng bậc nhất lịch sử. Triều Tiên dẫn trước 3-0 chỉ trong 25 phút đầu tiên, nhưng Eusebio ghi tới bốn bàn chỉ trong 32 phút. "Báo Đen" đoạt vua phá lưới với chín bàn thắng, Bồ Đào Nha chung cuộc xếp thứ ba - thành tích đến giờ vẫn là tốt nhất của họ ở World Cup.
Thụy Điển 2-2 (luân lưu 5-4) Romania (World Cup 1994)
Dù đã không ít lần dự VCK, Thụy Điển và Romania hiếm khi tiến xa như năm 1994. Romania chưa từng lọt đến tứ kết, còn lần gần nhất Thụy Điển ở nhóm tám đội mạnh nhất là World Cup 1958 trên sân nhà. Thụy Điển vượt qua Ả-rập Xê-út ở vòng 1/8. Trong khi Romania hạ Argentina với tỷ số 3-2, nhờ nhạc trưởng Gheorghe Hagi - cầu thủ được mệnh danh "Maradona của vùng Carpat".
Trước thềm trận đấu, người hâm mộ ở Mỹ bị sốc khi Bulgaria quật ngã ĐKVĐ Đức với tỷ số 2-1. Nhưng Thụy Điển và Romania tạo ra màn trình diễn ấn tượng không kém. Hai đội hòa nhau 1-1 sau 90 phút. Bước vào hiệp phụ, Florin Raducioiu ghi bàn thứ hai cho Romania ở phút 101. Nhưng Bernt Andersson gỡ hòa, năm phút trước khi hết giờ. Thụy Điển sút hỏng lượt đá luân lưu đầu tiên, nhưng vẫn thắng chung cuộc.
Senegal 0-1 Thổ Nhĩ Kì (World Cup 2002)
Giải ở Nhật Bản và Hàn Quốc chứng kiến rất nhiều bất ngờ. Pháp, Bồ Đào Nha và Argentina dừng bước ngay vòng bảng. Chủ nhà Hàn Quốc lần lượt hạ Italy và Tây Ban Nha ở vòng loại trực tiếp. Điều đó khiến việc Senegal vào tứ kết ở lần đầu dự World Cup không phải bất ngờ quá lớn.
Nhưng đó cũng mới là lần thứ hai Thổ Nhĩ Kì dự VCK World Cup. Họ thắng chủ nhà Nhật Bản ở vòng 1/8 để so tài cùng Senegal - đội được dẫn dắt bởi cố HLV Bruno Metsu. Hai đội hòa không bàn thắng sau hai hiệp chính. Bốn phút sau hiệp phụ đầu tiên, Ilhan ghi bàn thắng vàng, đưa Thổ Nhĩ Kì vào bán kết. Đó là bàn thắng vàng cuối cùng trong lịch sử World Cup, trước khi luật này bị xóa bỏ.
Uruguay 1-1 (luân lưu 4-2) Ghana (World Cup 2010)
Chưa khi nào một đại diện châu Phi tiến gần đến bán kết như thế. Ghana thắng Mỹ ở vòng 1/8, khi phải đá hiệp phụ. Còn Uruguay cũng vượt qua Hàn Quốc. Ghana mở tỷ số cuối hiệp một nhờ công của Sulley Muntari, nhưng đại diện Nam Mỹ đã gỡ hòa đầu hiệp hai, nhờ khoảnh khắc tỏa sáng của Diego Forlan.
Kịch tính được đẩy lên ở phút 120, khi Luis Suarez dùng tay cản bàn thắng của Ghana ngay trên vạch vôi. Asamoah Gyan đứng trước quả phạt đền định mệnh. Nhưng cú đá của anh dội trúng xà, khiến trận đấu phải bước vào loạt đá luân lưu. Lần này, Gyan đá thành công ở lượt sút đầu, nhưng hai đồng đội của anh lại đá hỏng và dâng vé vào bán kết cho Uruguay.
Xuân Bình (theo L'Equipe)