Thị trường kim cương tiếp tục ảm đạm năm nay kéo giá bán buôn giảm tổng cộng khoảng 40% trong hai năm qua, theo Bank of America Global Research. Tại Botswana, nước sản xuất kim cương lớn thứ hai thế giới sau Nga, doanh số kim cương thô giảm khoảng 52% trong chín tháng đầu năm, chỉ còn thu về 1,53 tỷ USD so với 3,19 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo Ngân hàng trung ương Botswana
Vốn là tháng cao điểm của kinh doanh kim cương nhờ người tiêu dùng mua sắm mùa lễ hội và kết hôn cuối năm, thị trường vẫn kém sôi động. PriceScope - nền tảng dữ liệu theo dõi hơn một triệu viên kim cương trên toàn cầu - cho hay giá kim cương kích cỡ 1-1.9 carat phân khúc cao cấp như D/FL và D/IF chỉ tăng nhẹ so với tháng 11, lần lượt đạt 12.087 USD và 14.054 USD.
Trong khi đó, phân khúc tầm trung chứng kiến sụt giảm ở một số loại, như G/VVS2 từ 6.193 USD xuống 6.159 USD và F/VVS2 từ 7.528 USD xuống 7.467 USD. Một số dòng bình dân hơn cũng hạ giá, như J/VS1 từ 3.258 USD còn 3.227 USD.
Theo chuyên gia tư vấn kim cương tại New York Paul Zimnisky, giá kim cương thô giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2022, bởi nhu cầu tại Trung Quốc đi xuống đáng kể. "Điều này đã tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp", ông nói.
Trung Quốc đại lục - bao gồm cả Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan - là thị trường kim cương lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, trị giá 9 tỷ USD và chiếm hơn 20% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà buôn nói doanh số kim cương đã đánh bóng tại đây chỉ bằng 20% đến 40% mức bình thường.
Nguyên nhân là tỷ lệ kết hôn giảm và ưa chuộng kim cương nhân tạo. Số vụ kết hôn tại nước này dự đoán giảm xuống dưới 6,6 triệu vào năm 2024, chưa bằng một nửa so với năm 2013. "Mối liên hệ giữa doanh số kim cương và kết hôn là rất đáng kể", Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế châu Á kiêm tác giả của cuốn Asian Megatrends, nhận định.
Cùng với đó, không phải tất cả cặp đôi mới cưới đều đủ khả năng mua một viên kim cương tự nhiên của thương hiệu nổi tiếng trong điều kiện kinh tế hiện nay. "Họ không nhất thiết phải mua thứ gì đó từ Tiffany’s", Vivian Wu, nhà sáng lập 40 tuổi của doanh nghiệp kim cương Wei An Shang Mao tại Thượng Hải, cho biết.
Công ty của Wu vẫn có khoảng 10 đơn hàng kim cương mỗi tuần như những năm trước, nhưng giá trị giảm. Các cặp mới cưới ngày càng muốn những viên nhỏ hơn để phù hợp với ngân sách eo hẹp hoặc chọn kim cương nhân tạo có giá chỉ bằng một phần mười so với kim cương tự nhiên, nhưng vẫn sáng lấp lánh.
Theo PriceScope, giá kim cương tự nhiên (loại tròn) giảm vào cuối năm 2008 do cuộc khủng hoảng tài chính, sau đó ổn định và tăng cho đến khi xảy ra đại dịch Covid và tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ xung đột Ukraine, với Nga cung cấp khoảng 30% tổng lượng kim cương thô. Tuy nhiên sau đó, giá bắt đầu giảm khi nguồn cung kim cương nhân tạo ngày càng dồi dào
Tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc đã trở thành "trung tâm sản xuất toàn cầu" của kim cương nhân tạo trong thập kỷ qua, theo đài CGTN. Địa phương này tung ra một nửa số kim cương nhân tạo thế giới. Tính chung, cả nước cung cấp 95% lượng kim cương nhân tạo thế giới, tính đến giữa năm 2023, theo Hiệp hội Vật liệu Siêu cứng Trung Quốc.
Tại cửa hàng Diabond ở trung tâm thương mại Time Square (Hong Kong), khách chủ yếu mua kim cương nhân tạo. Một chiếc nhẫn kim cương tự nhiên 1,3 carat được niêm yết giá 130.000 đôla Hong Kong (16.700 USD), trong khi một viên kim cương nhân tạo 1,5 carat chỉ có giá 24.300 đôla Hong Kong (hơn 3.100 USD).
Khách hàng Trung Quốc vẫn ưa chuộng kim cương tự nhiên cho các lễ cưới, nhưng kim cương nhân tạo vẫn có tiềm năng, phục vụ phân khúc thời trang và giải trí hơn, theo Zimnisky.
Yu Jing, nhân viên ngành xây dựng 30 tuổi tại Thượng Hải, mua đôi bông tai gắn kim cương nhân tạo đầu năm nay. "Thật lòng mà nói, tôi không thể phân biệt chúng với zirconia (hợp chất có vẻ ngoài sáng lấp lánh nhưng rẻ hơn kim cương nhân tạo). Chúng chỉ tốn 300 nhân dân tệ (khoảng 40 USD) nên tôi không quan tâm lắm. Lương của tôi không cao và kim cương nhân tạo rất đáng tiền", cô nói.
Ở khía cạnh đầu tư, "kim cương không còn được coi là một nơi lưu giữ giá trị theo thời gian vì giá của chúng giảm trong những năm qua", theo Biswas. Trong nửa đầu năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9, Luk Fook Holdings, tập đoàn trang sức có trụ sở tại Hong Kong, ghi nhận doanh thu giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 5,45 tỷ đôla Hong Kong (700,2 triệu USD). Lợi nhuận ròng giảm 56%, xuống còn 417,2 triệu đôla Hong Kong (53,6 triệu USD).
Sụt giảm do nhu cầu kim cương yếu. Doanh thu tại Hong Kong, Ma Cao và các thị trường nước ngoài giảm 27%, đạt 451,4 triệu USD; trong khi tại Trung Quốc đại lục đi xuống 27% còn 248,8 triệu USD. Để đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn, Luk Fook quyết định đóng cửa 175 cửa hàng, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục, trong nỗ lực cắt giảm chi phí và tối ưu hóa mạng lưới bán lẻ.
Một nhà tư kim cương kỳ cựu 50 tuổi tại Hong Kong cho biết đang ngày càng ít khách hàng hơn do nền kinh tế yếu kém. "Khi trời mưa, ai cũng bị ướt", ông nói.
Phiên An (theo SCMP, Reuters, PriceScope)