Tổng thống Putin là chính khách được giới truyền thông quốc tế quan tâm nhiều nhất trong năm 2013. Tháng 1, tạp chí Foreign Policy bình chọn ông là người xếp hạng cao nhất trong danh sách các nhân vật quyết định đến sự phát triển của thế giới hiện đại. Tháng 10, Putin vượt người đồng cấp Mỹ Barack Obama, trở thành lãnh đạo quyền lực nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí danh tiếng Forbes. Và chỉ hai ngày trước, tạp chí uy tín Times của Anh vinh danh Putin là nhân vật của năm.
Tiêu chí bình chọn của các hãng truyền thông có những điểm khác nhau, nhưng khi đánh giá về Tổng thống Putin, báo giới đều nhận định ông thành công trong việc đưa nước Nga trở lại hàng ngũ các cường quốc có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
Chiến lược ngoại giao hiệu quả
Năm 2013 được cho là một năm thành công của Tổng thống Putin trên lĩnh vực đối ngoại, với chiến lược và phong cách ngoại giao hiệu quả. Đây chính là chìa khóa để Putin ứng phó với các vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp, như vụ bê bối tình báo Edward Snowden, nguy cơ phương Tây can thiệp quân sự vào Syria và khủng hoảng chính trị Ukraine, góp phần nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.
Quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng sau khi cựu nhân viên tình báo Snowden bay từ Hong Kong sang Moscow hồi đầu tháng 7 và lưu trú tại sân bay Sheremetyevo trong suốt nhiều ngày.
Trước áp lực ngoại giao yêu cầu dẫn độ Snowden của Washington, Moscow vẫn hành động dựa trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, bởi giữa hai quốc gia không có hiệp định tương trợ tư pháp. Mặc dù việc Nga cấp phép tị nạn cho cựu nhân viên tình báo khiến Tổng thống Obama thẳng thừng đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh, ông Putin vẫn khẳng định quan hệ hai nước quan trọng hơn nhiều cuộc tranh luận trên. Thậm chí trong cuộc họp báo cuối năm, Putin còn nói đùa rằng, ông rất hâm mộ Tổng thống Obama bởi "ông ấy có quyền thực thi chương trình tình báo quy mô lớn".
Quan hệ hai nước tiếp tục đối diện với thách thức lớn trên vấn đề Syria. Mỹ chủ trương can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học với người dân, trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.
Nhưng, Tổng thống Putin đã thuyết phục Damascus thừa nhận sự tồn tại của các kho vũ khí hóa học và chấp thuận đặt chúng dưới sự kiểm soát quốc tế, từ đó đẩy lùi một cuộc tấn công quân sự chống Syria. Thành công ngoại giao này chứng minh được rằng, tại Trung Đông bất ổn, Moscow vẫn đóng một vai trò quan trọng.
Tại Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC ở Bali hồi tháng 10, ông Putin ca ngợi Tổng thống Obama vì đã có những hành động mà ông cho là giúp ngăn chặn một thảm kịch ở Syria. Động thái này được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng và bất đồng giữa hai nước.
Một trụ cột quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Putin là việc hình thành một liên minh Á-Âu trên cơ sở liên minh hải quan do Nga lãnh đạo, với thành viên là các nước trước đây thuộc Liên Xô.
Liên minh này được nhận định là một đối trọng với Liên minh châu Âu (EU) trong cán cân quyền lực khu vực Trung Á và Ukraine là một mắt xích quan trọng. Cuối tháng 11, hơn 100.000 người dân Ukraine xuống đường biểu tình chống chính phủ sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich từ chối ký kết một hiệp định thương mại với EU.
Người biểu tình đại diện cho một bộ phận người dân Ukraine cho rằng, hiệp định với EU sẽ giúp quốc gia này thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. New York Times dẫn lời các quan chức EU cho biết, Ukraine buộc phải từ bỏ hiệp định thương mại trên vì chịu sức ép từ phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định, Moscow buộc phải có hành động bảo vệ thị trường nội địa, một khi Kiev đạt được thỏa thuận với EU.
Trong chuyến thăm Moscow hôm 17/12, Tổng thống Yanukovich đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin, theo đó, Nga đồng ý chi 15 tỷ USD để mua trái phiếu của Ukraine và giảm giá gas tới một phần ba.
"Rõ ràng là ông ấy (Putin) đã thắng trong cuộc chiến tại Kiev", bình luận viên chính trị Clemens Wergin thuộc tờ Die Welt (Đức), nhận định.
Tăng cường nội lực quốc gia
Trong năm 2013, nền kinh tế Nga đã có những thành tựu khả quan, đặc biệt trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới không ổn định và nước Nga vừa kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực Medvedev - Putin hồi tháng 5/2012. "Đây là một năm lao động, một năm làm việc thực chất", Tổng thống Putin phát biểu trong buổi họp báo cuối năm hôm 19/12.
Theo báo cáo tổng kết của tổng thống, GDP của Nga năm 2013 đạt mức tăng trưởng 1,5% và tỷ lệ lạm phát được khống chế ở mức 6,1%, giảm mạnh so với năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt trên 150 tỷ USD và ngành xuất khẩu dầu mỏ mũi nhọn đạt sản lượng 523,2 triệu tấn, tăng 1,2 % so với năm 2012.
"Tổng thống Putin thế hiện rất tự tin và thoải mái trong buổi họp báo cuối năm hôm 19/12", bình luận viên quốc tế Steven Myers của tờ New York Times nhận định.
Một nội dung quan trọng khác trong nghị trình năm 2013 của Tổng thống Putin là ổn định chính trị trong nước và chống tham nhũng. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của ông Putin trên cương vị tổng thống sau 4 năm làm thủ tướng. Với đường lối chính sách cứng rắn, nước Nga vẫn giữ được sự ổn định chính trị-xã hội bất chấp các diễn biến căng thẳng sau bầu cử, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế và hoạt động đối ngoại.
"Tinh thần trách nhiệm đối với đất nước không xuất phát từ khẩu hiệu và diễn văn, mà hình thành khi người dân công nhận chính phủ là minh bạch", Tổng thống Putin phát biểu trong một cuộc họp cuối tháng 12/2012. Đây được coi như sự mở màn cho chiến dịch chống tham nhũng tại Nga.
Đầu tháng 4, ông Putin ký điều luật quy định các quan chức hàng đầu nước này phải đóng tất cả tài khoản ngân hàng và thanh lý hết tài sản ở nước ngoài trong vòng ba tháng, nếu không muốn bị đuổi việc.
Ông Konstantin Kostin, cựu phó giám đốc phụ trách chính sách trong nước của Điện Kremlin, bình luận: "Trong suốt một thời gian dài, rất nhiều người giàu coi Nga là nơi kiếm tiền, rồi sau đó lại gửi hết của cải đi và định cư ở nước khác. Dĩ nhiên, tình trạng này không thể giải quyết chỉ bằng một điều luật, mà phải bằng ý chí chính trị và sự đồng thuận của cả xã hội".
Tháng 12, cơ quan điều tra Nga khởi tố hình sự ông Anatoly Serdyukov, cựu bộ trưởng Quốc phòng, người bị sa thải cách đây một năm trong bê bối tham nhũng lớn. Động thái này cho thấy quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc chống tham nhũng. Trước đó, ông cũng sa thải 8 quan chức cao cấp và 200 công chức vì hành vi khai man tài sản.
Trong một động thái bất ngờ, ngày 20/12, Tổng thống Putin ký lệnh đặc xá trả tự do cựu tỷ phú dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky, người từng là đối thủ chính trị của ông. Trong cuộc họp báo thường niên hôm 19/12, Putin ám chỉ khả năng trả tự do cho Khodorkovsky, khi nói về pháp lệnh ân xá được phê chuẩn trước đó.
"Quyết định này nhằm mục đích khiến hệ thống tư pháp của chúng ta nhân đạo hơn... Ông ta (Khodorkovsky) ngồi tù 10 năm rồi, đã chịu hình phạt nghiêm khắc. Mẹ của ông ấy đang ốm. Tôi nghĩ chúng ta có thể đưa ra quyết định", Tổng thống Putin nói.
Trong cuộc họp báo tại Đức sau khi được trả tự do, Khodorkovsky tuyên bố: "Tôi đã viết điều mà mình từng tuyên bố nhiều lần trước công chúng, rằng sẽ không bao giờ dấn thân vào chính trị và đòi quyền kiểm soát Yukos nữa".
Tờ Moscow Times nhận định: "Bằng cách trả tự do cho Khodorkovsky, Putin đang gửi đi thông điệp rằng, ông ấy có đủ quyền lực để khoan dung đối thủ chính trị". Ông Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Moscow Carnegie, tổ chức chuyên nghiên cứu về chính trị Nga, kết luận: "Putin là người thắng cuộc".
Đức Dương