Đây là một trong các nội dung được thảo luận tại hội thảo triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản năm 2024, chiều 28/11.
Đại diện Quỹ Nafosted cho biết, năm 2024 Quỹ đã tiếp nhận 247 hồ sơ lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; 116 hồ sơ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Quá trình đánh giá xét chọn đề tài, các hội đồng khoa học quan tâm ưu tiên các nhà khoa học trẻ, xuất sắc, thúc đẩy đào tạo sau đại học; Nâng cao chất lượng, hướng tới các sản phẩm công bố xuất sắc (nature, cell, science...); Phát triển mạng lưới hợp tác nghiên cứu trong nước/quốc tế; Tài trợ nhóm các nhiệm vụ giải quyết vấn đề lớn, dài hạn...
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nafosted cho biết, trong vòng 15 năm qua, nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam có những bước đột phá đáng kể. Các đề tài nghiên cứu cơ bản không chỉ tạo ra những tiêu chuẩn mới mà còn giúp tăng số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, thời gian tới, Quỹ Nafosted sẽ tái cơ cấu các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất tập trung vào các nghiên cứu cơ bản theo các lĩnh vực: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học... Nhóm thứ hai tập trung vào việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hình thành các đề tài lớn.
GS Đinh Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng các nhóm nghiên cứu mạnh tại Việt Nam hiện chưa phổ biến. Ông nhấn mạnh việc phát triển nhóm nghiên cứu mạnh là cần thiết nhưng không nên sử dụng ưu thế hoàn toàn. Ông đề xuất ưu tiên khoảng 40-50% nguồn lực cho các nhóm này, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia nghiên cứu độc lập.
GS Lê Quốc Hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất sứ mệnh của Quỹ Nafosted nên gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản với nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó nghiên cứu mạnh cần được ưu tiên.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học ủng hộ quan điểm phát triển nhóm nghiên cứu cần tập trung vào việc giải quyết cơ chế tài chính. Để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu đơn lẻ cần lựa chọn một chủ đề chung, từ đó phát triển chương trình nghiên cứu cụ thể, đa dạng nhưng vẫn bổ sung lẫn nhau. Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả, cần thiết lập khung thời gian rõ ràng cho từng giai đoạn, tạo áp lực tích cực để các nhà khoa học hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Quỹ Nafosted sẽ phát triển theo chủ đề để định hướng công nghệ nghiên cứu sản phẩm, tạo ra nền tảng cho các lĩnh vực như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, nhằm nắm giữ quyền sở hữu công nghệ cốt lõi của Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng khuyến khích các nhà khoa học theo đuổi nghiên cứu đột phá. Quỹ sẽ chấp nhận rủi ro để thúc đẩy sáng tạo trong nghiên cứu. "Chỉ có chấp nhận rủi ro mới giúp các nhà khoa học yên tâm dấn thân cho nghiên cứu", ông nói. Việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, kết hợp với cơ sở hỗ trợ nghiên cứu độc lập, không chỉ giúp nâng cao năng lực khoa học mà còn thiết lập nền tảng cho những ứng dụng thực tiễn trong tương lai.
Thứ trưởng yêu cầu Cơ quan điều hành Quỹ tiếp thu, báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên để sớm có những điều chỉnh hợp lý về chính sách trong quản lý và triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Ông khẳng định, ủng hộ đảm bảo liêm chính nghiên cứu, mong các nhà khoa học đóng góp, chia sẻ duy trì nguyên lý tôn trọng học thuật, chọn lọc hiệu quả các nhóm đề tài mạnh có trọng tâm trọng điểm đối với hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Quỹ Nafosted được Chính phủ thành lập năm 2003, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và điều hành. Quỹ được thiết kế là một cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học công nghệ theo mô hình Quỹ nghiên cứu quốc gia Thụy Sỹ. Định hướng tài trợ nghiên cứu theo hướng hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, gia tăng chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước. Cơ cấu phân bổ kinh phí của quỹ trong giai đoạn 2014 về trước được cấp tối đa 300 tỷ đồng mỗi năm. Sau năm 2014 quỹ được cấp tối đa 500 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn hiện nay Quỹ được cấp thực tế khoảng 300 tỷ đồng.
Từ khi triển khai Quỹ đã tài trợ khoảng 4.200 đề tài (khoảng gần 300 đề tài/năm) cho gần 3.000 chủ nhiệm đề tài ở 350 viện nghiên cứu, trường đại học. Kinh phí trung bình gần 950 triệu/đề tài. Mỗi đề tài có sản phẩm trung bình gần 2 - 3 bài báo quốc tế có uy tín, đào tạo một nghiên cứu sinh hoặc hai thạc sĩ.
Nhật Minh