Danh hiệu Roland Garros thứ 13 ở Paris giúp Nadal bứt khỏi Novak Djokovic và bước lên ngang tầm đàn anh Roger Federer trong bảng thứ bậc những tay vợt nam có nhiều Grand Slam nhất. Chiến thắng dễ dàng 3-0 trước đại kình địch Djokovic đánh dấu cột mốc đặc biệt trong sự nghiệp của tay vợt Tây Ban Nha.
Nhờ chiến công này, Nadal, ngoài việc củng cố vị thế của huyền thoại vĩ đại nhất Roland Garros, còn sánh vai Federer với tư cách người thứ hai trong lịch sử cán mốc 20 Grand Slam. Ba năm trước, tay vợt người Mallorca còn kém đàn anh Thụy Sĩ tới bốn danh hiệu. Ở trận chung kết Australia Mở rộng 2017, Nadal từng dẫn Federer 3-1 trong set năm, nhưng không thắng bất kỳ game nào sau đó và để đối thủ ngược dòng giành vinh quang.
Chiến thắng đó giúp Federer có 18 Grand Slam, còn Nadal vẫn chỉ "cầm hòa" Pete Sampras với cùng 14 chiếc Cup. Nhưng thất bại chưa bao giờ đánh gục ý chí của Nadal, người luôn có những mục tiêu dài hạn, bất chấp kết quả ngắn hạn. Kế hoạch của Nadal là đối mặt với mọi thứ xảy ra bằng thái độ thẳng thắn nhất, luôn suy nghĩ về vị trí của bản thân nhưng không đi kèm với trăn trở về đối thủ.
"Tôi chưa từng nghĩ về việc Roger có cái này, và Novak thắng cái kia", Nadal chia sẻ với ATP sau lần thứ tư vô địch Roland Garros mà không thua set nào – một kỷ lục khác. "Họ đơn giản là những người hàng xóm đáng mến và bạn không thể tức giận chỉ vì họ có một ngôi nhà lớn hơn, một chiếc thuyền đẹp hơn hay một cái điện thoại xịn hơn".
"Bạn phải sống cuộc đời của bạn, phải không? Đơn giản chỉ như vậy", ngôi sao 34 tuổi nhấn mạnh. "Điều tôi làm trong suốt sự nghiệp là cố gắng hết sức mỗi ngày, trên sân tập và trong mỗi trận đấu. Tôi nỗ lực giành từng điểm, từng game, từng trận và từng giải. Tất nhiên là tôi vẫn quan tâm tới các thống kê về chúng tôi. Bởi vì ngoài việc là một tay vợt, tôi còn là người hâm mộ cuồng nhiệt của môn thể thao này. Vì thế, tôi tôn trọng tất cả".
Tính kỷ luật và sự khiêm tốn giúp Nadal vươn tới đỉnh cao quần vợt và trụ vững ở đó suốt 19 năm. Điều này một lần nữa được anh thể hiện sau chức vô địch Roland Garros 2020 – giải đấu mà Federer vắng mặt. Khi các phóng viên liên tục hỏi về ý nghĩa của Grand Slam thứ 20, Nadal tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của cột mốc ấy bằng cụm từ "danh hiệu Roland Garros thứ 13". "Tôi nghĩ đây không phải lúc để nói về chuyện san bằng kỷ lục của Roger", Nadal nói. "Roland Garros là giải đấu có ý nghĩa nhất với tôi. Hầu hết khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của tôi là ở đây và xuất phát từ đây. Bởi vậy, tôi hạnh phúc với chức vô địch thứ 13. Tôi yêu Paris và Roland Garros".
Nadal, trên thực tế, đã trải qua năm 2020 không mấy suôn sẻ. Vì dịch bệnh, anh phải nghỉ sáu tháng trước khi quay lại sân đấu. Trước đó, tay vợt số hai thế giới phải bỏ Mỹ Mở rộng, nơi anh là đương kim vô địch. Ở Rome Masters, giải khởi động quan trọng nhất trước Roland Garros, "Vua đất nện" thua sốc Diego Schwartzman chỉ sau hai set của trận tứ kết. Sự hoài nghi về khả năng đăng quang của Nadal ở Paris lên cao sau thất bại bẽ bàng này, trong khi Djokovic vẫn thể hiện phong độ cao suốt từ đầu mùa.
Nhưng Nadal rốt cuộc không để vuột cơ hội dù phải gặp đối thủ đã đánh bại anh 14 trong 18 lần gần nhất trước trận chung kết ở Paris. Thậm chí, Nadal đã đè bẹp Djokovic chỉ sau ba set bằng một thế trận vượt trội, tạo nên một trong những trận chung kết dễ dàng nhất lịch sử đối đầu của nhóm "Big 3". "Quần vợt là thế, hôm nay bạn thắng, ngày mai bạn thua. Tôi muốn chúc mừng Novak đã có giải đấu xuất sắc", Nadal vẫn khiêm tốn trong buổi trả lời phỏng vấn sau trận.
"Biết mình, biết người", đó là bí quyết thành công của nhiều ngôi sao. Nhưng điềm tĩnh và chỉn chu một cách chuyên nghiệp như Nadal là điều không phải ai cũng có. Ngay sau Roland Garros, Nadal đã lên kế hoạch chinh phục Australia Mở rộng vào đầu năm sau. "Tôi biết mình phải làm gì, dù chưa thể tiết lộ lúc này", anh chia sẻ với ATP. "Tôi sẽ sớm đưa ra quyết định thi đấu như bình thường, hoặc ngừng lại chờ đến năm sau để chuẩn bị tốt hơn".
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khả năng rất cao là Nadal sẽ quay lại "luyện công" ở quê nhà, như cách anh làm trước mùa đất nện năm nay. Australia Mở rộng 2021, do đó, trở thành mục tiêu quan trọng tiếp theo của Nadal. Nếu lên ngôi ở Melbourne đầu năm tới, anh sẽ là người đầu tiên đạt con số 21 Grand Slam và đồng thời là người đầu tiên kể từ Rod Laver năm 1969 vô địch mỗi Grand Slam ít nhất hai lần – kỷ lục mà Djokovic vừa bỏ lỡ ở Roland Garros.
Ngoài 13 danh hiệu ở Roland Garros, Nadal đang sở hữu bốn cup Mỹ Mở rộng và hai cup Wimbledon. Việc có thêm một chức vô địch Australia Mở rộng, vì thế, sẽ là thách thức đầy thú vị cho tay vợt Tây Ban Nha. Sau khi đăng quang cách đây 11 năm, Nadal từng có thêm bốn lần vào chung kết ở xứ sở chuột túi nhưng đều thua (trước Djokovic hai lần, Federer và Wawrinka mỗi người một lần).
Lối chơi phòng ngự tốn sức, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt giữa mùa hè Australia đã tạo nên những kết cục buồn cho Nadal những năm gần đây. Nhưng không vì thế mà thương hiệu Rafa trở nên mờ nhạt tại Melbourne, nơi anh vẫn cống hiến nhiều trận chung kết đỉnh cao của thập kỷ qua.
Trong bối cảnh tuổi nghề của các ngôi sao thể thao chuyên nghiệp ngày càng cao, còn lứa đàn em không duy trì được phong độ ổn định, Nadal sẽ tiếp tục cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất cùng Federer và Djokovic trong mỗi Grand Slam tiếp theo. Giống hai người còn lại, Nadal có những bất lợi riêng. Nhưng siêu sao Tây Ban Nha luôn có sẵn thứ vũ khí lợi hại: sự khiêm nhường của một cái đầu tỉnh táo và sự bền bỉ của một cỗ máy chiến thắng.
Nhân Đạt (theo Tennis.com)