- Điều kiện thi đấu ở Roland Garros năm nay khác hẳn các giải đấu trước, từ nhiệt độ, mưa đến trái bóng và độ ẩm. Có khi nào anh nghi ngờ vào chiến thắng chung cuộc?
- Lần nào đặt chân đến Paris, tôi cũng tự răn, đây có thể là năm tôi không thể vô địch. Dù khao khát chiến thắng, tôi đủ tỉnh táo để biết đâu là thực tế, đâu là điều hợp logic. Trong mắt mọi người, điều hợp lý trước mỗi Roland Garros là xem tôi sẽ nâng số danh hiệu giành được lên bao nhiêu. Nhưng với tôi, điều hợp lý và dễ xảy ra hơn là tôi không thể chiến thắng.
Tôi luôn tâm niệm như vậy, và nói ngay từ đầu rằng Roland Garros năm nay có điều kiện thi đấu bất lợi với tôi. Để đương đầu với nó, tôi phải lên kế hoạch chuẩn bị trong vòng sáu tháng. Đó là thời gian quá dài, với những tay vợt ở đẳng cấp cao.
- Tâm trạng của anh khi nâng Cup có vẻ không hân hoan bằng những năm trước. Có phải do ảnh hưởng của Covid-19 trên thế giới?
- Đáng buồn là như vậy. Chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn, khi bạn không thể chia sẻ những điều mình muốn với người khác. Đó là cảm giác khó chịu, hơn rất nhiều so với những gì chúng ta quen thuộc. Không ai có thể bàng quan với tình hình chung xảy ra trên toàn thế giới. Bản thân tôi cũng ý thức, rằng đất nước Tây Ban Nha đang trong tình thế vô cùng phức tạp.
Covid-19 khiến cuộc sống khắp nơi trở nên khốn khó, bởi nó chưa từng xảy ra trong cuộc sống. Tôi biết từng có những đại dịch khác trong quá khứ, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, nhân loại chưa một lần nếm trải lại. Để thi đấu được trong điều kiện đặc biệt này, tôi cần giữ sự thoải mái, tập trung và có thái độ thi đấu đúng đắn. Đó mới là thứ tôi hài lòng nhất trong toàn bộ giải đấu này.
- Novak Djokovic đã nâng chiến thuật thi đấu lên một bước ở Roland Garros. Anh đã thay đổi những gì để trở nên vượt trội như vậy?
- Lần gần nhất tôi đấu anh ấy trên sân đất nện là Rome Masters 2019. Đó cũng là thời gian khó khăn với tôi. Ngoài việc chiến thắng trận chung kết, tôi tin mình đã giữ phong độ cao suốt cả giải.
Tôi coi Rome Masters 2019 và trận đấu với Djokovic năm ấy như một tài liệu tham khảo, và lên kế hoạch với đội của mình. Chúng tôi đã vẽ ra nhiều kịch bản của trận chung kết Roland Garros năm nay, trước khi chốt xem nên hướng nó đến đâu. Phần phức tạp nhất là hiện thực hóa ý tưởng. Thật may, tôi đạt điểm rơi phong độ ở chung kết, và lái trận đấu theo đúng kế hoạch.
- Bjorn Borg từng than kiệt sức ở tuổi 26, dù là một nhà vô địch vĩ đại. Anh có bí quyết gì để gìn giữ phong độ ở tuổi 34?
- Giống những tay vợt khác, tôi đã trải qua những khoảnh khắc thăng hoa cũng như tồi tệ, tràn đầy tự tin và tột cùng thất vọng. Khi có tuổi, tôi gặp thêm nhiều vấn đề về thể chất hơn trước đây. May mắn là gia đình và đội ngũ tuyệt vời luôn song hành cùng tôi suốt sự nghiệp. Họ luôn bên cạnh những lúc tôi cảm thấy yếu đuối và cần giúp đỡ.
Sau nhiều thăng trầm, tôi rút ra rằng mình cần phải đằm tính hơn: không quá phấn khích khi mọi thứ đang tốt đẹp, hoặc suy sụp khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Điều ấy giúp tôi sống cân bằng, giữ tâm hồn được thanh thản trước những biến động, và phần nào đó thúc đẩy tôi tiến lên. Cuối cùng, tất cả đều hướng đến một thứ đơn giản nhất, là niềm đam mê với công việc hiện tại.
- Theo anh, tác động từ chức vô địch Roland Garros năm nay tới thế giới như nào? Liệu có nét gì tương đồng với nhà vô địch đơn nữ Iga Swiatek không?
Tác động lên thế giới thì rộng quá, và tôi không chắc lắm về điều ấy. Ở mức độ thể thao, điều quan trọng bậc nhất tôi làm được thắng một giải Grand Slam tới 13 lần. Nó cũng giúp tôi cân bằng thành tích 20 Grand Slam với Roger Federer. Những điều này liên tục được nhắc đến trong thời gian dài, bởi nó từng được coi là cột mốc không thể chạm tới. Tôi cảm thấy hài lòng, hạnh phúc và biết ơn người hâm mộ. Họ đã liên tục nhắn tin chúc mừng tôi. Tôi cũng đã nghe những gì nhà vô địch Swiatek nói. Tôi muốn gửi lời chúc mừng cô ấy.
- Thời gian nghỉ tập vì giãn cách xã hội và chờ các giải đấu trở lại diễn ra như nào với anh?
- Đó là những tháng ngày mông lung, bởi mọi người liên tục phải đương đầu với những vấn đề xã hội cũng như cá nhân. Hai tháng phải giam mình trong nhà với tôi thật tồi tệ. Cơ thể gần như không nghe theo điều khiển của tôi. Phải mất nhiều tuần, khi dịch bệnh lắng xuống, tôi mới tập được trở lại. Dù cầm vợt ngay khi có thể, tôi vẫn thấy vô cùng bí bách. Tất cả những điều này cộng việc chỉ tập chay, không có kế hoạch rõ ràng, khiến mọi chuyện càng tệ hơn.
Đó là lý do tôi thực sự biết ơn những người bạn đã ở bên tôi, giúp tôi tận hưởng một cuộc sống không tennis trong thời gian ấy. Trong một chừng mực nhất định, họ tiếp thêm can đảm cho tôi đưa ra những quyết định trọng đại, chẳng hạn có tham dự Mỹ Mở rộng hay không.
Nói ra những chuyện ấy lúc này, nghe có vẻ dễ dàng, nhưng cách đây vài tháng, nó thực sự áp lực, bởi chỉ có kết quả cuối cùng mới là câu trả lời thuyết phục nhất cho lựa chọn của mỗi người. Ơn trời, tôi đã vô địch Roland Garros và mọi thứ có vẻ đã được sắp xếp theo đúng cách mà nó nên diễn ra. Bằng không, tôi sẽ hoài nghi chính những gì mình đã tin tưởng. Đó chính là ý nghĩa thuần túy của thể thao, nơi mọi nghi vấn đều sẽ có câu trả lời. Trong chừng mực có thể, tôi đã cố phân tích tình hình và quyết định theo hướng tốt nhất có thể. Tôi cảm thấy hài lòng với những nỗ lực của bản thân suốt thời gian qua.
- Thực tế là anh đã giành được mọi vinh quang. Mục tiêu kế tiếp của anh là gì?
- Trước mắt, tôi muốn tận hưởng trọn vẹn những ngày này. Là một người may mắn, tôi nhận ra rằng cuộc sống đã ban tặng cho tôi quá nhiều.
Lúc này, tôi chưa nghĩ nhiều đến những mục tiêu tương lai. Có lẽ tự mỗi người sẽ có đánh giá riêng, xem tôi làm được những gì. Suy nghĩ duy nhất trong tôi bây giờ là tiến lên phía trước, bởi nếu không còn hào hứng với công việc hiện tại, đó sẽ là lúc bạn cần phải nghĩ tới một việc làm mới. Chừng nào còn bị những danh hiệu và không khí tennis cám dỗ, tôi còn dấn bước và nghĩ các phương án duy trì phong độ ở đẳng cấp cao nhất.
- Cuộc sống trong khu khách sạn được Ban tổ chức Roland Garros sắp xếp như nào? Anh thấy ổn với hai bạn cùng phòng Carlos Moya và Rafael Maymo chứ?
- Tôi thuộc tuýp người thích giao lưu, trong khi Carlos xoay sở với cuộc sống độc thân rất tốt. Thú thực, là tôi cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều hơn hai bọn họ. Những ngày thi đấu của tôi kéo dài hơn. Nhưng cũng nhờ trải nghiệm lần đầu này, tôi vỡ vạc ra nhiều thứ, chẳng hạn như biết cách giết thời gian một mình trong lúc rảnh rỗi.
- Anh thường đập giày ba lần trước mỗi quả giao. Đó là thói quen hay do điều kiện thi đấu năm nay buộc anh như vậy?
- Mặt sân năm nay trơn hơn bình thường, và việc loại bỏ đất ở giày rất quan trọng. Ngay ngày đầu tập luyện, tôi ngã khá nhiều. Carlos lúc đó bảo tôi, rằng 'Hãy nhớ làm điều đó (đập vợt vào giày) mọi lúc có thể, vì đất bám dưới giày rất nhiều'. Đó không phải thói quen của tôi, mà chỉ đơn giản là cách giúp tôi di chuyển linh hoạt hơn.
- Anh không thua set nào trong hành trình vô địch Roland Garros năm nay. Liệu đây có phải kỷ lục tốt nhất trong lịch sử tennis?
- Tôi nghĩ ý kiến ấy sẽ tạo ra tranh cãi rất lớn. Sẽ là tốt hơn nếu những thông số ấy được phân tích bởi những chuyên gia hiểu rõ về lịch sử tennis. Với cá nhân, tôi không quan trọng lắm chuyện ấy, bởi tôi thấy mãn nguyện với sự nghiệp của mình.
Vào thời khắc đăng quang, tôi thấy lâng lâng với cảm giác mình vừa làm được một điều lớn lao. Rồi mọi người sẽ lại rỉ tai nhau, rằng Djokovic sẽ làm gì kế tiếp, hay tôi có bị đe dọa không khi Roger Federer trở lại. Không riêng gì tôi, mà mọi tay vợt đều sẽ làm việc với các con số trong giải đấu, trước khi có những điều chỉnh thích hợp trong tương lai.
- Anh lên kế hoạch tham dự Australia Mở rộng 2021 thế nào rồi?
- Tôi cần thời gian để suy nghĩ thật chín chắn. Mọi quyết định cần được đưa ra trong tâm thế bình tĩnh và có đầy đủ thông tin. Tôi sẽ phân tích cặn kẽ các giải đấu sắp tới, trước khi chọn giải tiếp theo. Trong vài ngày nữa, tôi sẽ thông báo.
- Sau 20 ngày chỉ loanh quanh trong khách sạn và các địa điểm thi đấu, anh muốn làm gì bây giờ?
- Tôi muốn trở lại cuộc sống thường nhật. Tôi muốn được làm những điều mình muốn, chẳng hạn đánh golf, hay tới sân tập, hoặc nơi nào khác. Tôi cũng muốn trò chuyện với những người thân mà tôi không thể gặp mặt suốt ba tuần qua.
- Anh nghĩ thế nào về khả năng Roland Garros sẽ tiếp tục thay đổi vào năm sau, chẳng hạn thi đấu vào buổi tối?
- Dù thay đổi như nào, tôi nghĩ Roland Garros 2021 cũng khó lòng nhiều hơn năm nay. Mỗi thứ một chút, khiến giải đấu năm nay trở nên đặc biệt, bao gồm cả việc đấu buổi tối.
Tôi không thích đánh buổi tối trên sân đất nện. Tôi đã quen với nhiệt độ Paris vào tháng Sáu, nên chưa bao giờ thấy lạnh và khó chịu như trải nghiệm năm nay. Dù vậy, không riêng gì tennis, nhiều môn thể thao khác cũng trong tình trạng ngặt nghèo về điều kiện thi đấu. Sẽ là tốt hơn nếu mỗi bên chịu thiệt một chút để giải đấu được tổ chức, bởi nếu không cả VĐV lẫn ban tổ chức đều thiệt hại về tài chính.
- Chơi trong sân không khán giả ảnh hưởng như nào tới anh?
- Tôi vẫn nhận sự cổ vũ, động viên, dù chỉ là từ số ít. Ở chung kết, người thân, gia đình và các thành viên trong đội của tôi có mặt trên hàng đầu ở khán đài. So với Rome Masters, không khí đỡ trầm lắng hơn nhiều. Lúc ấy, khi nhìn lên khán đài, thoảng hoặc tôi có chút buồn bởi chỉ thấy vỏn vẹn hai người giữa khán đài trống.
- Vô địch trong một giải đấu đặc biệt như vậy có khiến anh thấy tự hào hơn khi bắt kịp số Grand Slam của Federer?
- Mọi người hay đồn thổi nọ kia, nhưng thực tế là quan hệ giữa tôi và Federer rất tốt. Từ nhiều năm qua, chúng tôi dành sự tôn trọng lớn cho nhau khi cùng chia sẻ những khoảng khắc quan trọng nhất sự nghiệp. Càng đặc biệt hơn khi chúng tôi thường là đối thủ của nhau ở những dịp ấy. Tôi nghĩ, một sự cạnh tranh giữa tôi và anh ấy đã được tạo ra, và vượt ra ngoài những gì thuộc về tennis thuần tùy. Dù được công nhận hay không, chúng tôi luôn trân trọng và gìn giữ quan hệ đặc biệt này. Việc bắt kịp kỷ lục 20 Grand Slam và được Federer chúc mừng là niềm vinh dự lớn với tôi.
- Đâu là yếu tố giúp anh kết thân được với đối thủ lớn nhất sự nghiệp?
- Với tôi là đơn giản hóa vấn đề. Tôi tâm niệm rằng khi ra sân chúng tôi giống nhau, đều cầm vợt và chơi một môn gọi là tennis. Không có bất cứ điều gì khác. Khi giữ quan hệ hữu hảo với đối thủ, từ trong tâm khảm, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn là lúc nào cũng phải lên gân cốt như bước vào một trận chiến. Lúc ấy, bạn có thể dễ dàng nói chuyện phiếm với người này người kia khi đi ngang phòng thay đồ của nhau. Bầu không khí ở các giải đấu, cũng vì thế, mà trở nên hòa hoãn. Áp lực từ việc đạt thành tích vốn dĩ vô cùng căng thẳng, và bạn không cần thiết phải tự tạo thêm khó khăn cho mình.
- Không thua một set nào ở Roland Garros có phải là cách anh chứng tỏ rằng mình là "Vua đất nện" và không có đối thủ ở Paris?
- Tôi không nghĩ nhiều thế đâu. Mỗi ngày, tôi đều nhìn lại những gì mình đã thể hiện và thấy vui khi chắc chắn rằng bản thân đang trên đà tiến bộ. Tôi đã có một giải đấu tốt, với trận chung kết gần như hoàn hảo, dù Djokovic là đối thủ khó chơi nhất. Như thế là đủ. Tôi không muốn bàn nhiều về chuyện này, và nhắc lại rằng đây là một giải đấu khó khăn. Chuyện không thua set nào, với tôi là bất ngờ.
- Anh từng nhiều lần nói sự khác biệt giữa Paris và Rome là mặt sân. Liệu Philippe Chatrier có gì khác?
- Tôi từng đăng quang Rome Masters chín lần, với hành trình vô cùng thuận lợi. So với Rome Masters, thi đấu ở Roland Garros khó hơn không chỉ bởi kích thước sân, thể thức đánh năm set mà còn nhiều thứ khác. Với những ai chưa từng cầm vợt thi đấu, điều tôi nói có vẻ khó hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn, là khi từng chơi tốt nhiều lần tại một sân đấu hoặc một giải đấu, bạn sẽ có thêm niềm tin vào bản thân khi chinh phục sân đấu ấy, giải đấu ấy lần nữa.
- Các giải đấu thể thao vẫn chịu hậu quả tài chính nặng nề khi không có khán giả. Liệu anh có tin một ngày nào đó, tennis vẫn có lãi khi đấu trong sân không người xem?
- Ưu tiên số một giữa đại dịch là sức khỏe, và với các nhà tổ chức, họ không thể trì hoãn một giải đấu thường niên quá lâu. Tôi tin tình trạng không khán giả sẽ không kéo dài lâu bởi gánh nặng kinh tế từ nó rất lớn. Hy vọng giải pháp sớm được tìm ra để những tay vợt như chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường và được thưởng thức bầu không khí tennis trọn vẹn.
Thắng Nguyễn (theo Marca)