Theo dữ liệu đăng ký xe mới do Hội đồng thông tin giao thông đường bộ Na Uy (OFV) công bố hồi đầu năm, cứ 10 chiếc ô tô mới được bán ra tại quốc gia này thì có 9 chiếc là xe điện. Tỷ lệ xe điện tại Na Uy đã tăng đều qua các năm, từ 80% vào năm 2022, lên 82,4% vào năm 2023, và tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong năm 2024 với 89%. Đây là bước tiến lớn đưa quốc gia này đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu này, hệ thống trạm sạc tại Na Uy đang được đầu tư mở rộng, nhiều trạm bơm xăng đã được thay thế bằng trụ sạc xe điện. Cụ thể, công ty Uno-X đã thay thế khoảng 30 trụ bơm xăng bằng trụ sạc tại Na Uy, trong khi Circle K đã thực hiện điều tương tự tại hơn 10 trụ ở 8 địa điểm khác nhau. Trong vòng 12 tháng tới, Circle K dự kiến tiếp tục thay thế trụ bơm xăng bằng trụ sạc tại 10 đến 15 địa điểm nữa. Doanh nghiệp này hiện có khoảng 20 trạm sạc xe điện, phần lớn các trạm này trước đây là các trụ bơm xăng, dầu truyền thống.

Một trạm sạc nhanh của Circle K được lắp đặt tại Na Uy. Ảnh: Circle K
Hiện 10% trong tổng số 2.000 trạm xăng tại Na Uy đã tích hợp trụ sạc. Một số trạm thậm chí xuất hiện ở cả vùng nông thôn như Minnesund, cho thấy mạng lưới hạ tầng tại quốc gia này đang mở rộng mạnh mẽ.
"Nhu cầu giảm dần đối với nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu, cùng với chi phí bảo trì và vận hành là những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định có nên loại bỏ các trụ bơm xăng hay không", Anders Kleve Svela, Giám đốc mảng e-mobility (phương tiện giao thông chạy điện) tại Circle K Na Uy nhận định.
Không chỉ Na Uy, các quốc gia Bắc Âu khác cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Năm 2023, xe điện chiếm 52% lượng xe mới tại Đan Mạch, 32% tại Thụy Điển và 29% tại Phần Lan.
Chính sách khuyến khích từ các chính phủ Bắc Âu đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Ví dụ điển hình là Phần Lan, nơi chính phủ đầu tư 110 triệu EUR vào năm 2011, để dành riêng cho nghiên cứu và triển khai hệ thống sạc – tạo đà cho các doanh nghiệp tại đây cung cấp giải pháp sạc xe điện.
Hay tại Thụy Điển, chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi mua xe điện cho cán bộ nhân viên cũng đã thúc đẩy thị trường phát triển. Năm 2018, chỉ 16% số xe do doanh nghiệp mua là xe điện. Đến năm 2023, con số này đã tăng vọt lên 74%, theo Financial Times.

Một chiếc xe bus điện đang sạc tại ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Stella Pictures
Ngoài ra, chính quyền các địa phương tại Bắc Âu cũng đang hỗ trợ xây dựng hạ tầng sạc điện. Thành phố Oslo, Na Uy đã giúp St1 triển khai một trạm sạc nhanh dành riêng cho xe tải điện thương mại tại Rommen, với công suất lên đến 400 kW, một bước tiến quan trọng để thúc đẩy giao thông xanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Na Uy, Thụy Điển hay Phần Lan đều cho thấy một mô hình chuyển đổi thành công, khi không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận xe điện bằng chính sách tài chính ưu đãi, mà còn đầu tư bài bản vào hệ thống hạ tầng sạc, trải dài từ thành thị đến vùng sâu vùng xa. Nhìn vào tấm gương các quốc gia ở Bắc Âu, có thể thấy rằng: phát triển hạ tầng sạc không chỉ là điều kiện cần, mà còn là động lực then chốt để hình thành hệ sinh thái giao thông xanh.
Tại Việt Nam, thị trường xe điện cũng đang có những chuyển biến tích cực. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), năm 2024 cả nước tiêu thụ hơn 340.000 ôtô, tăng 12,6% so với năm trước. Trong đó, gần 90.000 xe là ô tô điện và đại đa số là xe điện VinFast. Lượng xe điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.

Một trạm sạc xe điện của VinFast. Ảnh: VinFast
Hạ tầng trạm sạc cũng đang được mở rộng nhanh chóng. VinFast hiện có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành, trở thành doanh nghiệp có mạng lưới trạm sạc lớn nhất cả nước. Đại diện doanh nghiệp cho biết, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có những chính sách nhằm thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng xe điện như miễn lệ phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để cuộc đua xe điện có thể nhanh chóng về đích, Việt Nam cần thêm các chính sách thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ vay mua xe, giảm thiểu rào cản chi phí ban đầu cho người tiêu dùng cũng như hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc đồng bộ và bài bản, không chỉ tại các đô thị lớn mà còn mở rộng đến nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa.
Minh Ngọc