"Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với con người, động vật và thiên nhiên trên toàn thế giới. Na Uy muốn làm phần việc của mình để làm chậm quá trình này", Thủ tướng Erna Solberg cho biết trong một cuộc họp báo.
Na Uy - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu - đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 50 đến 55% vào năm 2030, và 90 đến 95% vào giữa thế kỷ.
Trong các giải pháp được đưa ra, chính phủ yêu cầu các dịch vụ công chỉ mua ôtô và xe tải không phát thải carbon từ năm 2022 trở đi. Điều tương tự cũng được áp dụng với các phương tiện như phà và xe buýt đô thị từ năm 2023 và 2025.
Na Uy cũng muốn thúc đẩy nhiên liệu sinh học và tăng thuế carbon từ 71 USD lên 237 USD, gấp 3,3 lần. Chính phủ nước này đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, vì vậy việc tăng thuế được cho là sẽ khuyến khích công nghệ này phát triển hơn nữa.
"Quyết định tăng thuế carbon và đưa ra ngân sách phát thải là điều vô cùng tích cực", nhóm môi trường Friends of the Earth cho biết trong một bài đăng trên Twitter. "Tuy nhiên, Na Uy vẫn tránh những câu hỏi lớn và khó trả lời về sản xuất dầu, xây dựng đường ôtô, mở rộng sân bay và hiệu quả năng lượng".
Được cấp năng lượng chủ yếu từ các nhà máy thủy điện, Na Uy là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vận tải điện thân thiện với môi trường. Năm ngoái, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có hơn một nửa ôtô đăng ký mới là xe điện.
Tuy nhiên, chính phủ Na Uy cũng bị chỉ trích khi họ tiếp tục cấp giấy phép cho hoạt động thăm dò dầu khí, ngay cả ở vùng biển "nhạy cảm với biến đổi khí hậu" Barents gần Bắc Cực.
Đoàn Dương (Theo AFP)