Silk Road Finance, một công ty có văn phòng tại Yangon (Myanmar), vừa huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư cá nhân. Cube Capital, công ty đầu tư có văn phòng tại London và Hong Kong cũng mới rót vốn vào hai dự án bất động sản ở Myanmar trị giá hơn 20 triệu USD. Doanh nghiệp này đang huy động 200 triệu USD để đầu tư vào nhiều nước châu Á mới nổi khác, trong đó một phần tư là vào Myanmar.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư phương Tây vẫn ngần ngại rót vốn vào Myanmar vì cho rằng rủi ro chính trị và kinh tế ở đây còn rất lớn. Giá cả ở đây đang bị đẩy lên trên mức bình thường và quy mô dự án được ký kết ở vẫn còn nhỏ.
![]() |
Nhiều nhà đầu tư còn chần chừ khi đầu tư vào Myanmar. Ảnh: Bloomberg |
Một số công ty đa quốc gia như General Electric hay Pepsi chỉ tập trung bán sản phẩm, chứ chưa hề có ý định đầu tư xây dựng nhà máy tại đây. KKR hay Blackstone cũng chần chừ trước quyết định tiến quân vào quốc gia Đông Nam Á này.
Thậm chí, các ngân hàng Myanmar cũng chưa có hệ thống cho vay tương xứng để hỗ trợ các tập đoàn lớn. bảo hộ pháp lý và quy trình rút vốn cũng là điều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, do Myanmar không có thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng rất thô sơ.
John Van Oost, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty đầu tư bất động sản Yishan Capital Partners cho biết: "Tôi chắc chắn tất cả các dự án ở Myanmar hiện nay sẽ thất bại. Giá bất động sản ở đây đang quá cao và đối tác Myanmar cũng chưa chắc đáng tin". Ming Lu, giám đốc khu vực tại KKR Đông Nam Á cho biết: "Rất nhiều người đang đổ xô đến Myanmar, tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ thị trường ở đây đã sẵn sàng".
Các doanh nghiệp đều kỳ vọng Myanmar sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á nếu nước này tiếp tục cải tổ. Tuy nhiên, một khi các công ty ở đây không thể thu hút vốn từ bên ngoài, sự tăng trưởng này sẽ bị kìm hãm. Theo đó, hy vọng hưởng lợi từ sự thay đổi của hơn 60 triệu người Myanmar cũng tan thành mây khói.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân ở châu Á nhận định họ đã học được rất nhiều từ các thị trường mở cửa trước đó, đặc biệt là Việt Nam thập niên 90. Những người xông vào đầu tiên chưa chắc đã kiếm được lời, một phần do những thay đổi này hiếm khi bắt kịp kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Myanmar cũng từng chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư bết bát những năm 90. Tuy nhiên, một số người vẫn đánh cược rằng họ có thể thắt chặt mối quan hệ với những công ty tên tuổi tại đây và chộp được các cơ hội béo bở. Kenneth Stevens, giám đốc Leopard Capital cho biết: "Chỉ người đầu tiên mới có được những hợp đồng và mối quan hệ tốt nhất".
Alisher Ali từng thành lập một ngân hàng đầu tư ở Mông Cổ và hiện điều hành Silk Road Finance ở Yangon. Ông cảm thấy bị thuyết phục trước những cải tổ của Myanmar, nhất là sau khi lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội nước này sau 15 năm bị giam giữ tại nhà. Chỉ vài tuần sau chuyến thăm đầu tiên đến Myanmar, ông đã chuyển cả gia đình từ Mông Cổ sang đây.
Cuối tháng 9, Ali đã huy động được 25 triệu USD từ các cá nhân giàu có ở Nga, Kazakhstan và Mông Cổ. Ông dự định đầu tư vào các công ty viễn thông, truyền thông, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Biết rằng có nhiều rủi ro, nhưng với ông, cơ hội này là quá lớn để bỏ qua.
Hà Thu (theo WSJ)