"Nga phải từ bỏ hệ thống tên lửa và các bệ phóng, hoặc điều chỉnh để chúng không vượt quá tầm bắn quy định trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)", Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson hôm qua tuyên bố.
Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman khẳng định việc Washington rút khỏi INF không có nghĩa là quay lưng với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. "Chúng tôi vẫn giữ nguyên các hiệp ước, nhưng Mỹ cần một đối tác đáng tin cậy và Nga không thể hiện điều này trong INF", đại sứ Huntsman nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5/12 ra thời hạn 60 ngày để cứu vãn INF, khẳng định Washington sẽ không còn ràng buộc với hiệp ước được ký từ năm 1987 trừ khi Moskva loại bỏ tổ hợp Novator 9M729, biến thể tăng tầm của tên lửa hành trình Iskander-K. Hiệp ước INF cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, trong khi 9M729 bị Mỹ cáo buộc có tầm bay lên đến gần 5.000 km.
Quan chức Nga kêu gọi Mỹ duy trì và tuân thủ INF, nhưng khẳng định nước này sẽ "tăng tốc phát triển và biên chế các vũ khí có một không hai trên thế giới" nếu Washington rút khỏi thỏa thuận.
Căng thẳng đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại, cho rằng việc Washington rút khỏi INF sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân. Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Garesimov hôm qua tuyên bố Mỹ đang có "bước đi nguy hiểm", cảnh báo Nga có thể tấn công những địa điểm Mỹ đặt tên lửa ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 tuyên bố sẽ rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp Novator 9M729. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó yêu cầu Mỹ phải cung cấp bằng chứng Nga vi phạm hiệp ước và tiết lộ các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Quốc phòng, đang chuẩn bị các phương án đối phó việc Mỹ rút khỏi INF.