Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tháng 9 công bố việc Washington phê duyệt kế hoạch bán lô khí tài quân sự trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. Đài Bắc cũng được thông báo và tự công bố thông tin về chuyến tuần tra của hai chiến hạm Mỹ qua eo biển Đài Loan hôm 22/10, vốn được Washington giữ kín trong quá khứ.
Đây chỉ là hai trong số nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ quốc phòng Mỹ - Đài Loan đang được tăng cường ở mức chưa từng thấy trong những tháng qua, theo Reuters.
Hợp đồng bán vũ khí 330 triệu USD được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua nhanh hơn nhiều so với các thỏa thuận dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama và George W. Bush. Trước đó chưa đầy một năm, Lầu Năm Góc cũng đồng ý bán lô vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm nhiều loại tên lửa, ngư lôi và hệ thống cảnh báo sớm.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào năm 2016, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc.
Hồi đầu tháng này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver tuyên bố Washington đang chuyển hướng tới "quan hệ mua bán khí tài quốc phòng bình thường hơn" với Đài Bắc.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan (UTBC) có trụ sở tại Mỹ khẳng định việc Mỹ thông qua hợp đồng 330 triệu USD là tín hiệu tích cực với Đài Loan. Tổ chức này cũng kêu gọi Washington xem xét các yêu cầu mua vũ khí của Đài Bắc mà không cần tính đến phản ứng của Bắc Kinh.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể dùng đến vũ lực nếu cần thiết. Đây cũng là lý do chính khiến Mỹ thường rất cẩn trọng với các hợp đồng mua bán vũ khí hoặc trao đổi cấp cao với Đài Loan kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc". Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo Washington không tăng cường quan hệ quân sự với Đài Bắc, cũng như phản đối mọi hợp đồng quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.
Quan chức Đài Loan cho rằng hợp đồng quân sự mới nhất cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mua vũ khí của Đài Bắc, giúp hòn đảo này xây dựng năng lực quốc phòng đối phó với Bắc Kinh.
Bắc Kinh gần đây nhiều lần tổ chức tập trận trên biển và trên không gần đảo Đài Loan để gây sức ép với Đài Bắc. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng sau khi Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo này vào tháng 5/2016. Kể từ đó, đã có 5 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan gồm Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama cùng El Salvado.
"Điều này khiến chính quyền Thái Anh Văn tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn từ Mỹ. Xây dựng quan hệ thân thiết và hỗ trợ Đài Loan tăng cường năng lực quân sự là một phần trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump nhằm đối phó với Trung Quốc, nhất là khi ông coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược thay vì đối tác", Wang Kung-yi, giáo sư ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc, nhận định.
Quan hệ quốc phòng Mỹ - Đài Loan được tăng cường đáng kể từ khi Tổng thống Trump phê duyệt đạo luật khuyến khích quan chức Mỹ tới thăm Đài Loan và ngược lại hồi tháng 3.
Hàng trăm cựu quan chức quốc phòng và đại diện các tập đoàn vũ khí Mỹ đã tới tham dự diễn đàn công nghiệp quốc phòng tại thành phố Cao Hùng hồi tháng 5. Sự kiện này diễn ra chỉ một tháng sau khi Trump cho phép các công ty Mỹ bán công nghệ để Đài Loan chế tạo 8 tàu ngầm thế hệ mới. Dự án này đã bị trì hoãn nhiều lần kể từ khi được cựu tổng thống George W. Bush thông qua vào năm 2001.
Mỹ đã hai lần điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong tháng 7 và cuối tháng 10 nhằm duy trì quyền tự do hàng hải, bất chấp nguy cơ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Đài Loan thường không công bố thông tin về các hoạt động này nhằm tránh làm Trung Quốc giận dữ, nhưng dường như điều này đã thay đổi theo chiến lược mới của Tổng thống Trump.
"Chuyến tuần tra là động thái khôn ngoan. Washington và Đài Bắc quyết định công khai lộ trình của các tàu chiến nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh, khẳng định eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, cho thấy Mỹ và Đài Loan sẵn sàng hợp tác, không che giấu hoạt động tại khu vực này", Ian Easton, nhà nghiên cứu thuộc Viện Dự án 2049 có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức tập trận ở eo biển Đài Loan, nhiều khả năng lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ được mời tham gia. Giới phân tích cho rằng quan hệ quốc phòng Washington - Đài Bắc đang ở mức thân thiết chưa từng có trong lịch sử, ngay cả khi đợt tập trận chung trên có thể không diễn ra.