Mỹ là nước viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, từ hỗ trợ giáo dục, y tế, nhân quyền tại các nước đang phát triển tới hậu thuẫn quân sự, an ninh cho các đồng minh chiến lược.
Các chương trình cứu trợ như về nhân đạo chiếm phần lớn trong tổng viện trợ nước ngoài của Mỹ. Song nguồn tài trợ này cũng được dùng để giúp tăng cường năng lực quân sự cho các nước đồng minh, cũng như hỗ trợ các chính phủ nước ngoài dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch hoặc ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy tới Mỹ.
![Người di cư vì xung đột nhận viện trợ lương thực từ USAID tại Tigray, miền bắc Ethiopia hồi tháng 3/2021. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/AFP-20210312-AA-12032021-29429-2370-2690-1739348778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BV4SrZ35NqaDElwU9YSA_Q)
Người di cư vì xung đột nhận viện trợ lương thực từ USAID tại Tigray, miền bắc Ethiopia hồi tháng 3/2021. Ảnh: AFP
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đóng băng phần lớn nguồn viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, ngoại trừ viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập, cùng khoản đóng góp của Mỹ cho chương trình hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Tới ngày 28/1, Ngoại trưởng Marco Rubio ký lệnh miễn trừ đóng băng viện trợ đối với hỗ trợ nhân đạo cứu người, cho phép các dự án như bệnh viện dã chiến ở vùng chiến sự tiếp tục hoạt động.
Chính quyền ông Trump giải thích đóng băng viện trợ nước ngoài là nhằm đánh giá liệu các khoản chi tiêu này có phù hợp với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" hay không.
Mỹ đã chi gần 65 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong năm 2023, theo thống kê gần nhất có thể so sánh với dữ liệu quốc tế.
Nếu tính theo USD, con số này lớn hơn tất cả các nước giàu khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ so với GDP, viện trợ nước ngoài của Mỹ chiếm phần nhỏ hơn so với các nước như Nhật Bản, Anh và Pháp.
![Những nước viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới năm 2023. Đồ họa: WSJ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/USAID-2-1739347109-9456-1739348778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e-mUvdummjAAbkMP8IGS0A)
Những nước viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới năm 2023. Đồ họa: WSJ
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) chiếm khoảng hai phần ba ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ. USAID được thành lập theo đạo luật của quốc hội Mỹ vào năm 1961, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới. USAID cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, sức khỏe và hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp.
Chính quyền ông Trump đang biến USAID thành mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch tinh giản chính phủ liên bang. Tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, hồi cuối tuần gọi USAID là "tổ chức tội phạm" và kêu gọi xóa sổ cơ quan này.
Phần lớn viện trợ nước ngoài còn lại của Mỹ đến từ Bộ Ngoại giao, khi cơ quan này tập trung hỗ trợ các chương trình cung cấp phòng vệ sinh, cơ sở khám chữa bệnh tại các trại trị nạn, cũng như hỗ trợ về quân sự cho các nước.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đảm nhận vai trò theo dõi và ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm ở nước ngoài, như Ebola. Bộ Tài chính rót tiền cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), hỗ trợ kỹ thuật cho bộ tài chính các nước đang phát triển để ngăn khủng hoảng nợ.
![Những bên phân phối viện trợ Mỹ. Đồ họa: WSJ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/USAID-4-1739347266-6197-1739348778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IN9jkllVR_ZLb71Galvaeg)
Những bên phân phối viện trợ Mỹ. Đồ họa: WSJ
Phần lớn viện trợ nước ngoài của Mỹ được chuyển đến bên nhận ở nước ngoài thông qua Liên Hợp Quốc và nhiều cơ quan đa phương khác. Ngoài ra, Mỹ cũng phân phối viện trợ dựa vào các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế như Mercy Corps, CARE hay Ủy ban Cứu hộ quốc tế.
Các nước thu nhập thấp phải gánh chịu khủng hoảng nhân đạo lớn do xung đột như Sudan, Ethiopia hay Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ là những nơi tiếp nhận viện trợ chính của Mỹ.
Tuy nhiên, nhu cầu không phải là yếu tố duy nhất quyết định số tiền viện trợ mà một nước được nhận. Quy mô khoản viện trợ cũng thường gắn liền với tầm quan trọng của một số nước đối với an ninh quốc gia và ưu tiên toàn cầu của Mỹ.
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Israel là nước nhận viện trợ hàng đầu của Mỹ trong nhiều năm và tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong năm 2024. Jordan và Ai Cập, hai đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở Trung Đông, cũng nằm trong nhóm 5 nước nhận viện trợ hàng đầu. Kể từ năm 2022, Ukraine trở thành nước nhận viện trợ từ Mỹ nhiều nhất.
Tỷ lệ viện trợ của Mỹ dành cho châu Phi và các nước thu nhập thấp đã giảm trong thập kỷ qua.
![Viện trợ nước ngoài của Mỹ trên thế giới năm 2023. Đồ họa: WSJ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/USAID-5-1739347327-6322-1739348778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gq6qmoAWKw7tKhuP2Zw7AA)
Viện trợ nước ngoài của Mỹ trên thế giới năm 2023. Đồ họa: WSJ
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của viện trợ Mỹ có thể được minh chứng thông qua Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về Cứu trợ AIDS (PEPFAR).
Kể từ khi ra đời năm 2003 theo quyết định của tổng thống George W. Bush, PEPFAR đã giúp cứu sống khoảng 26 triệu người, chủ yếu ở các nước châu Phi. Số ca lây nhiễm mới cũng đã giảm. Nhờ loại thuốc kháng virus do Mỹ tài trợ, AIDS không còn là án tử với mọi người, mà trở thành căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát.
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) dự đoán rằng tới cuối thập kỷ này, PEPFAR sẽ ngăn chặn thêm 5,2 triệu ca tử vong liên quan tới AIDS và 6,4 triệu ca nhiễm mới.
Nếu PEPFAR ngừng hoạt động, ước tính có thêm 460.000 trẻ em chết vì các nguyên nhân liên quan tới HIV tới năm 2030 và 2,8 triệu trẻ em sẽ mồ côi vì AIDS.
Tài trợ của Mỹ về vaccine, dinh dưỡng và phòng chống sốt rét đã góp phần làm giảm số ca tử vong ở trẻ 5 tuổi tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu năm 2022 công bố trên tạp chí Population Health Metrics chỉ ra các quốc gia nhận tài trợ trên mức trung bình từ USAID đã ghi nhận mức giảm 29 ca tử vong trên mỗi 1.000 ca sinh.
USAID và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chi hàng chục triệu USD trong những năm gần đây để hỗ trợ huấn luyện quân đội địa phương và quản lý đất nước tại Niger, Mali và Burkina Faso, ba quốc gia vùng Sahel ở châu Phi.
Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ về an ninh này dường như không mang lại hiệu quả như mong đợi, khi ba nước đều trải qua đảo chính và các chính quyền quân sự mới đã yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi đất nước của họ, nhường chỗ để xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Thùy Lâm (Theo WSJ, AFP, AP)