Các hãng viễn thông lớn ở Mỹ tuyên bố phủ sóng dịch vụ 5G trên toàn quốc, nhưng giới chuyên gia cho rằng chúng không khác biệt so với mạng 4G LTE. Còn các dịch vụ không dây với tốc độ vượt trội hiện nay khó lòng được triển khai tới người dùng trước cuối năm nay.
"Phải mất ít nhất vài tháng đến hai năm để phủ sóng 5G với tốc độ tốt hơn 4G cho hai phần ba dân số Mỹ", nhà phân tích James Ratcliffe của công ty nghiên cứu Evercore ISI cho hay.
Loay hoay với O-RAN
18 tháng trước, nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho một số thiết bị do Huawei sản xuất trong mạng 5G, Mỹ hướng đến Open RAN (O-RAN) - Mạng truy cập vô tuyến mở. O-RAN giúp xây dựng cơ sở hạ tầng 5G cùng hệ thống phần mềm tinh vi, không cần phụ thuộc vào các phần cứng độc quyền và đắt đỏ. Liên minh O-RAN gồm nhiều tập đoàn tham gia với mục tiêu phát triển khái niệm mới trong thiết kế 5G.
Tuy nhiên, đến cuối 2020, Trung Quốc đã xây dựng gần 700.000 trạm 5G và chiếm 70% tổng số trạm toàn cầu, còn Mỹ mới có 50.000 trạm. Trung Quốc dự kiến xây thêm một triệu trạm nữa trong năm nay, trong đó Huawei chiếm 3/5 thị phần. Ở chiều ngược lại, O-RAN còn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm.
Ericsson đánh giá dự án O-RAN không khả thi, còn Nokia chấp thuận tham gia nhóm bảo trợ ngành công nghiệp của Mỹ để thúc đẩy phương pháp tiếp cận phần mềm. Tuy nhiên tuần trước, họ đã rời khỏi nhóm này.
"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài đình chỉ mọi hoạt động kỹ thuật vì vấn đề liên quan tới tuân thủ quy định, sau khi xét đến những tổ chức đóng góp cho Liên minh O-RAN đang nằm trong danh sách đen của Mỹ", Nokia cho biết.
Liên minh O-RAN có sự góp mặt của 3 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách hạn chế của Mỹ, gồm Kindroid, Phytium và Inspur. Hai quan chức giấu tên trong ngành cho biết Nokia ra quyết định rút lui vì lo ngại hứng chịu đòn trừng phạt từ Mỹ nếu tiếp tục tham gia liên minh.
Nỗi lo bị trừng phạt chỉ là một trong những lý do khiến quá trình triển khai 5G tại Mỹ bị chậm trễ. O-RAN bị chỉ trích là giải pháp cồng kềnh và kém hiệu quả. "Việc viết phần mềm sẽ mất nhiều năm và ít nhất hai năm thử nghiệm, gỡ lỗi. Có rất nhiều lỗ hổng trong một hệ thống hàng triệu dòng code", một giám đốc điều hành viễn thông tại Trung Quốc chia sẻ với Asia Times.
Băng tần giới hạn
Tín hiệu 5G sử dụng ba băng tần chính gồm thấp, trung và cao. Băng tần cao sử dụng sóng milimet có tốc độ và băng thông cao nhất, nhưng tầm hoạt động ngắn nhất. Băng tần thấp có tầm hoạt động xa nhưng tốc độ chậm. Băng tần trung cân bằng được cả lợi thế về tầm hoạt động và tốc độ.
Các nhà mạng Mỹ đang tập trung vào băng tần trung. Vấn đề là nó đang phục vụ hàng loạt cơ quan chính phủ và tổ chức khác, dùng cho liên lạc quân sự, dự báo thời tiết và nhiều ứng dụng khác. Chỉ một phần nhỏ băng tần này được mở ra cho các công ty viễn thông và quyền tiếp cận cũng bị cản trở bởi tranh cãi giữa nhiều cơ quan chính phủ Mỹ.
Stefan Pongratz, nhà phân tích thuộc công ty Dell'Oro Group, cho biết các nhà mạng Mỹ đã tập trung vào băng tần cao, vốn không có ai sử dụng, khi chuẩn bị cho công nghệ 5G cách đây 10 năm, nhưng nó đòi hỏi lượng lớn trạm thu phát sóng để hoạt động hiệu quả. Quá trình lắp đặt sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí, trong khi băng tần trung mới chỉ được chú trọng vài năm gần đây nhằm tăng tốc phổ biến 5G.
Lợi nhuận từ đâu ra?
"Sự thiếu hụt các ứng dụng nổi bật cũng ngăn cản nỗ lực triển khai mạng 5G. Đây là yếu tố lớn ảnh hưởng tới tốc độ phát triển", giáo sư Brian Kelley tại Đại học Texas nhận xét.
Ba lợi thế chính của 5G là tốc độ cao gấp 100 lần 4G, có khả năng hỗ trợ lượng lớn kết nối cùng lúc và cắt giảm đáng kể thời gian phản hồi giữa các thiết bị. "Chưa có mô hình kinh doanh nào tận dụng được ba yếu tố này. Chưa rõ người dùng có sẵn sàng trả thêm tiền chỉ để tải video nhanh hơn hay không", Craig Moffett, chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu MoffettNathanson, cho hay.
Các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ đi đầu trong ứng dụng 5G, cho phép họ kết nối hàng loạt thiết bị Internet vạn vật. "Họ có thể lập mạng 5G riêng, giống như mạng Wi-Fi thế hệ tiếp theo, với tốc độ, khả năng kết nối và bảo mật tốt hơn. Vấn đề là nhà mạng có sẵn sàng xây mạng 5G riêng cho doanh nghiệp, hay doanh nghiệp sẽ tự phát triển mạng. Nếu phương án thứ hai xảy ra, các nhà mạng sẽ mất nguồn thu có thể dùng để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng 5G", Moffett nói thêm.
Vấn đề thiết bị
5G là mạng lưới khác hoàn toàn 4G, đòi hỏi triển khai những thiết bị khác biệt để hoạt động. Đây không phải quá trình đơn giản, khi các nhà mạng phải tìm địa điểm, xin giấy phép và thậm chí là đào đường để lắp đặt cáp quang chuyển tiếp dữ liệu giữa các trạm thu phát sóng.
Tình trạng sẵn hàng cũng là vấn đề với thị trường thiết bị. Khi 4G ra mắt năm 2010, có hơn 10 nhà cung cấp công nghệ với hàng loạt thiết bị mạng không dây. Giờ đây thị trường chỉ còn 5 tập đoàn lớn gồm Nokia, Ericsson, Samsung, ZTE và Huawei.
"Hai công ty ở Trung Quốc, một ở Phần Lan, một ở Thụy Điển và một ở Hàn Quốc. Có hàng loạt rào cản quản lý trong mua sắm trang thiết bị viễn thông từ nước ngoài", John Roese, Giám đốc công nghệ tại Dell và cựu lãnh đạo Huawei, cho hay.
Nhiều "tay chơi" mới đang xuất hiện từ sau khi chính phủ Mỹ cấm Huawei bán thiết bị cho nước này, nhưng thị trường vẫn nằm dưới sự thống trị của nhóm 5 tập đoàn trên.
Ericsson đang trở thành lựa chọn hàng đầu để thay thế Huawei, đặc biệt với công nghệ massive MIMO. Tuy nhiên, các thiết bị này cần lượng lớn chip bán dẫn, trong khi tình trạng khan hiếm chip silicon toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điệp Anh (theo WSJ, Asia Times)