"Để đảm bảo châu Âu vượt qua được mùa đông và mùa xuân, chúng tôi dự kiến chuẩn bị trước để đảm bảo nguồn cung thay thế đáp ứng phần lớn nguy cơ thiếu hụt khí đốt", một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết hôm 25/1.
Động thái này được cho là nhằm nỗ lực triệt tiêu vũ khí kinh tế mạnh nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang vì vấn đề Ukraine. Nga đã hạn chế dòng chảy khí đốt qua đường ống chạy qua Ukraine từ khoảng 100 m3/ngày xuống còn 50 m3/ngày. Lo ngại Putin có thể cắt nguồn cung khí đốt được cho là khiến một số quốc gia châu Âu như Đức ngần ngại ban lệnh trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine.
Một trong những nhà cung cấp khí đốt thay thế chủ chốt mà Mỹ có thể trông cậy là Qatar. Nhà Trắng hôm 25/1 thông báo Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani sẽ tới làm việc vào cuối tháng này. Chương trình nghị sự bao gồm "ổn định nguồn cung năng lượng toàn cầu".
"Cuộc thảo luận sẽ rất rộng, với nhiều công ty và quốc gia trên thế giới mà không tập trung vào một hay hai nhà cung cấp", một quan chức Nhà Trắng cho hay. "Bằng cách này, không cần phải yêu cầu bất kỳ công ty hay quốc gia riêng lẻ nào tăng cường xuất khẩu với khối lượng lớn, mà chỉ cần tăng cường với khối lượng nhỏ từ nhiều nguồn".
Mặc dù vậy, nếu khí đốt được chuyển hướng sang châu Âu, phần lớn sẽ phải ở dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng hiện tại toàn bộ thị trường LNG toàn cầu không đủ bù thiếu hụt nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt qua Ukraine cho châu Âu.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang khi Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga có ý định tấn công quốc gia láng giềng, song Moskva bác bỏ, gọi đây là những tuyên bố vô căn cứ cũng như khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Mỹ và các đồng minh châu Âu dường như đang muốn thể hiện đoàn kết trong cuộc đối đầu với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 tuyên bố cân nhắc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với cá nhân người đồng cấp Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng "những người bạn châu Âu" ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất lên Moskva bởi "phụ thuộc nhiều" vào nguồn khí đốt của Nga. Ông cho biết nhiều nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện để thuyết phục các nước quyết liệt hơn.
Bình luận của Johnson đưa ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Olaf Scholz, tân thủ tướng Đức, gặp nhau tại Berlin hôm 25/1 để điều phối lập trường, sau khi xuất hiện thông tin đồng minh phương Tây rạn nứt.
Macron cho hay sẽ điện đàm với Putin vào 28/1 để "làm rõ" quan điểm của Nga. Ông khẳng định Pháp và Đức sẽ không bao giờ từ bỏ đối thoại với Nga, nhưng nói thêm "nếu có hành động gây hấn, họ sẽ phải chịu trả đũa và cái giá phải trả sẽ rất lớn".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)