Thông báo của Nhà Trắng cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm đàm phán, Tổng thống hiểu rõ tầm quan trọng của việc đặt lợi ích của công nhân và doanh nghiệp Mỹ lên đầu trong các vấn đề thương mại. Vì thế, với các thỏa thuận "cứng rắn và công bằng" thương mại quốc tế có thể thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng và mang lại hàng triệu việc làm.
"Chiến lược này sẽ bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo tất cả hiệp định thương mại sau này phục vụ lợi ích của lao động Mỹ", thông báo viết.
Ông Trump cũng sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico. Nếu các nước này từ chối tái đàm phán để cho công nhân Mỹ một thỏa thuận công bằng, "Tổng thống sẽ ra thông báo rút khỏi NAFTA".
Nhà Trắng cũng khẳng định, Mỹ sẽ không nương tay với những quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại và làm tổn hại công nhân Mỹ trong quá trình này.
"Người Mỹ từ lâu đã bị ép phải chấp nhận các hiệp định thương mại đặt lợi ích của người trong cuộc và giới thượng lưu Washington lên trên tầng lớp lao động. Kết quả là các thành phố phải chứng kiến cảnh nhà máy đóng cửa và việc làm thu nhập tốt chuyển sang nước ngoài, trong bối cảnh Mỹ đối mặt thâm hụt ngân sách lớn và nền sản xuất đang bị hủy hoại", thông báo viết.
Mỹ đã ký hiệp định TPP năm ngoái, nhưng vẫn chưa phê chuẩn. TPP chính là cột trụ kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền ông Barack Obama, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quyền lực nhanh chóng. Những người ủng hộ hiệp định lo ngại việc rút khỏi TPP có thể đẩy quyền lực tại khu vực trên về tay Trung Quốc, và khiến Mỹ chịu thiệt. Ông Trump vẫn luôn chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc và đe dọa áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa từ nước này.
Kết thúc đàm phán tháng 10/2015 sau 5 năm xây dựng, TPP được xem là hiệp định thương mại tự do lịch sử với sự tham gia của 12 nước: Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Sau sự kiện này, các nước bắt đầu bước vào quá trình ra rà soát pháp lý và thông qua tại quốc hội để có thể đi vào thực thi vào năm 2018. Tuy nhiên, quá trình này đã gặp phải không ít trở ngại, trong đó đáng kể nhất là cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ - nơi cả 2 ứng viên là ông Trump và bà Clinton đều không ủng hộ. Các thành viên còn lại của TPP, đặc biệt là Nhật Bản đã có những nỗ lực để cứu vãn. Song với việc chính quyền mới tại Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định, các nước sẽ phải đứng trước lựa chọn đàm phán thêm về một TPP không có Mỹ, hoặc để hiệp định này đổ vỡ.
Hà Thu (theo Reuters)