Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố ngày 10/3 cho biết họ liệt Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, những người con trưởng thành của thống tướng Min Aung Hlaing, vào danh sách đen. Tổng tư lệnh đã lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 1/2 và trở thành người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước, vị trí khiến ông là lãnh đạo thực tế của đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Washington có thể áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa, đồng thời lên án quân đội Myanmar vì đã bắt 1.700 người và giết ít nhất 53 người biểu tình không vũ trang. "Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các hành động chống lại những bên xúi giục bạo lực và trấn áp ý nguyện của người dân", Blinken ra tuyên bố.
Động thái này về cơ bản đóng băng bất kỳ tài sản nào tại Mỹ của những người nằm trong danh sách đen và cấm người Mỹ giao dịch với họ. 6 công ty Myanmar bị Washington đưa vào danh sách đen bao gồm A&M Mahar, do Aung Pyae Sone kiểm soát. Nhóm vận động Công lý cho Myanmar nói rằng A&M giúp các công ty dược phẩm nước ngoài tiếp cận thị trường Myanmar bằng cách xin giấy phép từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này.
John Sifton, giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ca ngợi động thái của Bộ Tài chính vì đã đánh trực tiếp vào tài chính của ông Min Aung Hlaing, nhưng kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn.
"Đây không phải là biện pháp trừng phạt mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn đến thay đổi hành vi. Chúng tôi khuyến nghị họ tập trung vào các dòng doanh thu lớn hơn nhiều và nếu cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến quân đội nói chung lớn hơn", Sifton nói, đề cập đến doanh thu từ dầu và khí đốt trong các dự án có sự tham gia của các công ty quốc tế.
Mỹ chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL), các tập đoàn quân sự được quân đội sử dụng để kiểm soát phần lớn nền kinh tế đất nước.
Trước áp lực quốc tế ngày một tăng, chính quyền quân sự Myanmar được cho là đã trả hai triệu USD để thuê chuyên gia vận động hành lang Canada "hỗ trợ giải thích tình hình" nước này với Mỹ. Tuy nhiên, trước đó quân đội Myanmar đã nói với đặc phái viên Liên Hợp Quốc rằng họ sẵn sàng đương đầu lệnh trừng phạt và cô lập sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Phương Vũ (Theo Reuters)