"Cuộc đối thoại kết thúc khi các quan chức hai bên thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề nghiêm trọng mà không thuyết phục lẫn nhau về những định hướng chiến lược. Không bên nào đưa ra bằng chứng làm thay đổi ý kiến của bên kia", South China Morning Post dẫn lời Sun Zhe, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nói.
Trong số những vấn đề bất đồng giữa hai nước, cách xử lý các tranh chấp trên biển của Trung Quốc với một số nước láng giềng là điều Mỹ chỉ trích gay gắt.
Ngày đầu tiên diễn ra đối thoại 9/7, khi gặp ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thẳng thắn nói rằng Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh phá vỡ hiện trạng trên biển nhằm đạt được tham vọng kiểm soát ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đòi yêu sách gần như toàn bộ khu vực này với đường lưỡi bò phi lý, xâm phạm vào các khu vực mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc gần đây triển khai giàn khoan dầu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam cùng nhiều tàu hộ tống, liên tục đâm va với tàu Việt Nam. Bắc Kinh cũng tiến hành nhiều hoạt động khai hoang, xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng xua đuổi máy bay của Nhật ở khu vực mà mình tự tuyên bố là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Tokyo.
Cho rằng những hành động đơn phương của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình trong khu vực, ông Kerry một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của khu vực và thế giới, góp phần duy trì trật tự ở châu Á - Thái Bình Dương.
Đáp lại, ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục kiên định trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Bắc Kinh phản đối việc Mỹ ủng hộ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á trong tranh chấp với Trung Quốc. Ông Dương yêu cầu Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển, thể hiện quan điểm trung lập, khách quan và góp phần bảo vệ an ninh, hòa bình ở khu vực.
Trung Quốc và Mỹ đang nhận thấy việc dàn xếp với nhau khó khăn hơn, mặc dù hai bên cố nêu lên những điểm tích cực về kết quả cuộc đối thoại cấp cao và nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế xung đột, tăng cường hợp tác về quân sự, kinh tế.
Sun Zhe nhận định những xích mích giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không leo thang thành cuộc chạm trán lớn, nhưng sự ngờ vực gia tăng sẽ khiến Mỹ tăng cường sự ủng hộ với các đồng minh quân sự ở châu Á. Do đó, trong khi tiếp tục cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, Trung Quốc cũng sẵn sàng chuẩn bị để chống lại Mỹ. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh Biển Đông là mối nguy cơ "bốc cháy" tiềm ẩn khi Bắc Kinh và Washington dấn lên, khẳng định sự can dự của mình ở đây.
Trong khi đối thoại đang diễn ra ở Bắc Kinh, tại Washington, Thượng viện Mỹ ngày 10/7 đã thông qua nghị quyết về Biển Đông, trong đó có nội dung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan khỏi vị trí hiện nay tại Hoàng Sa.
Bản nghị quyết 412 được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thuận, nhất trí thông qua nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ nước này đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.
Trên National Interest, hai nhà nghiên cứu Robert A. Manning và Barry Pavel nhận định những lời lẽ lạc quan về kết quả cuộc đối thoại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh tuần qua không che giấu được thực tế là quan hệ hai nước đang rủi ro hơn bao giờ hết kể từ năm 1989. Bắc Kinh đang có những hành động quyết đoán ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cơ bản đang thay đổi hiện trạng ở đây. Cuộc đối thoại không trả lời được câu hỏi chính là hai cường quốc này có thể tìm thấy một thỏa thuận tạm thời hay không.
Mỹ và các nước châu Á đang theo đuổi chiến lược hợp tác với Trung Quốc về kinh tế và các lĩnh vực khác, nhưng cũng bắt tay nhau để trở thành đối trọng khi Bắc Kinh gia tăng năng lực quân sự và ảnh hưởng trong khu vực. Sự e ngại trước Trung Quốc đã thúc đẩy các mối quan hệ chặt hơn về an ninh giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Philippines, Singapore.
Cái gai thứ hai trong quan hệ Mỹ - Trung là an ninh mạng. Washington yêu cầu quân đội Trung Quốc ngừng tấn công mạng vào Mỹ, kêu gọi tái khởi động nhóm làm việc chung về vấn đề này. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công và không thể hiện dấu hiệu nào đáp lại đề xuất nối lại đối thoại về an ninh mạng của Mỹ.
Graham Webster, một nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc, trường Luật Yale, Mỹ, cho rằng nếu hai nước không cải thiện được lòng tin lẫn nhau về an ninh mạng thì rủi ro leo thang căng thẳng trong quan hai nước càng hiện rõ hơn.
Các nhà chức trách Mỹ hôm 12/7 cáo buộc một doanh nhân Trung Quốc đột nhập vào các hệ thống máy tính của hãng hàng không Boeing và một số nhà thầu quốc phòng của Mỹ để đánh cắp bí mật quân sự.
Hồi giữa tháng 5, Mỹ thông báo truy nã 5 quan chức quân đội Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại. Trung Quốc lập tức phản đối gay gắt, yêu cầu Bắc Kinh rút lại lệnh truy nã, đồng thời ngừng các hoạt động của Nhóm Hoạt động mạng Trung Quốc - Mỹ vì "Washington thiếu chân thành trong giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng thông qua đối thoại và hợp tác".
Tin tặc từ lâu đã là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho biết những vụ tấn công tin tặc trong khoảng từ năm 2006 đến 2014 từ Trung Quốc đã gây ra những "tổn thất nặng nề" cho nhiều công ty. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tấn công mạng là "nguy cơ thực sự" với an ninh cũng như nền kinh tế Mỹ.
"Trong ngắn hạn không xảy ra cuộc khủng hoảng quy mô lớn, nhưng nếu không có nỗ lực thực sự, nó sẽ dẫn tới rủi ro có thật trong những năm tới", Webster nói.
Ngay sau những thảo luận giữa các bộ trưởng ngoại giao và tài chính của hai nước, tờ People's Daily của Trung Quốc đăng tải một bài bình luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần tránh một "cuộc chiến tranh lạnh mới" trong quan hệ quốc tế. Tác giả bài báo nhấn mạnh rủi ro lớn nhất trong quan hệ hai nước là sự hiểu lầm, hai bên cần tăng cường các kênh trao đổi để giũ bỏ giai đoạn mơ hồ trong hợp tác.
"Nếu xử lý tốt, quan hệ hai nước có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng nếu chúng ta xử lý dở, điều này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh tồi tệ và thậm chí dẫn tới xung đột", bài báo có đoạn.
"Việc hai nước trở thành đối tác trong lĩnh vực an ninh chiến lược là điều rất khó. Cả hai đang ở điểm mà họ cần tái khởi động mối quan hệ với đối phương", Sun Zhen nhấn mạnh.
Khánh Lynh