Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm qua (15/1) ký thỏa thuận thương mại sơ bộ, phần nào giải quyết căng thẳng thương mại kéo dài 18 tháng qua. Đây là bước tiến sau nhiều tháng đàm phán biến động. Nhà đầu tư chào đón thông tin này, kéo thị trường chứng khoán Mỹ lên kỷ lục.
Dù vậy, giới phân tích và lãnh đạo các ngành công nghiệp vẫn nghi ngờ việc quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang hồi phục. Thỏa thuận chưa giải quyết được các vấn đề cơ bản dẫn đến xung đột thương mại, không gỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đang kéo tụt kinh tế toàn cầu, và đưa ra các mục tiêu mua hàng khó hoàn thành.
Trong lễ ký, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận là chiến thắng cho kinh tế Mỹ và các chính sách thương mại của chính phủ. "Hôm nay, chúng ta sửa chữa các sai lầm trong quá khứ và đem lại tương lai công bằng hơn, đảm bảo hơn về kinh tế cho công nhân, nông dân và gia đình Mỹ", Trump cho biết trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm qua trước quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc sang Mỹ ký kết lần này cũng đọc thư từ Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong đó, ông Tập ca ngợi thỏa thuận là dấu hiệu hai nền kinh tế có thể giải quyết bất đồng bằng đối thoại.
Trọng tâm của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm, lấy mốc 186 tỷ USD năm 2017. Trong đó có 54 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 78 tỷ USD đồ sản xuất công nghiệp, 32 tỷ USD nông phẩm và 38 tỷ USD dịch vụ.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm qua cũng cho biết trên Fox News rằng thỏa thuận sơ bộ sẽ giúp tăng trưởng GDP Mỹ cao thêm 0,5% trong năm 2020 và 2021. Reuters trích một nguồn tin thân cận cho biết Boeing có thể giành đơn hàng lớn từ Trung Quốc, với dòng 787 hoặc 777-9. Thương vụ này sẽ giảm sức ép cho 787 Dreamliner, khi nhu cầu máy bay cỡ lớn trên toàn cầu đang đi xuống.
Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cũng nhận xét thỏa thuận sẽ thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc, khi cung cấp các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, thịt bò, lợn và thịt chế biến sẵn từ Mỹ.
Ông Lưu Hạc cho biết các công ty Trung Quốc sẽ mua 40 tỷ USD nông phẩm Mỹ mỗi năm trong 2 năm tới, "tùy tình hình thị trường". Dù vậy, trước đó, Bắc Kinh từng phá bỏ cam kết mua nông sản Mỹ, và ký nhiều hợp đồng mua mới đậu tương từ Brazil từ khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra năm 2018.
Chứng khoán Mỹ hôm qua lập đỉnh do kỳ vọng thỏa thuận xoa dịu căng thẳng. Dù vậy, giá dầu thô lại giảm do nhà đầu tư ngờ vực thỏa thuận giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu và kéo nhu cầu cầu lên cao.
Giá đậu nành trong hợp đồng tương lai, vốn đã giảm suốt thời gian lễ ký thỏa thuận diễn ra, tiếp tục lao dốc sau phát biểu của ông Lưu. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà buôn và nông dân ngờ vực mục tiêu mua hàng.
Thỏa thuận cũng không gỡ bỏ thuế nhập khẩu đang áp lên nông sản Mỹ, khiến nông dân "càng phụ thuộc" vào các đợt mua hàng do chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Nó cũng không giải quyết được "các vấn đề cấu trúc lớn", Michelle Erickson-Jones – một nông dân trồng lúa mỳ, kiêm người phát ngôn tổ chức Farmers for Free Trade cho biết. Trump và các cố vấn kinh tế của ông trước đó cam kết sẽ buộc Bắc Kinh thay đổi những chính sách cố hữu về hỗ trợ công ty quốc doanh và xả hàng giá rẻ ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, dù thỏa thuận có thể có lợi cho nông dân, hãng xe và hãng sản xuất thiết bị nặng của Mỹ, nhiều nhà phân tích nghi ngờ khả năng Trung Quốc đổi hướng nhập khẩu từ các nước khác sang Mỹ. "Tôi cho rằng việc chuyển hướng mạnh tay là không thể. Tôi không kỳ vọng nhiều vào các mục tiêu mà thỏa thuận đưa ra. Nhưng việc đàm phán vẫn là bước tiến với cả hai quốc gia", Jim Paulsen – chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group cho biết.
Ngoài việc giảm nửa thuế với khoảng 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, hủy đợt áp thuế mới dự kiến vào tháng 12/2019, Mỹ vẫn giữ nguyên thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cũng vẫn đang áp thuế nhập khẩu trả đũa với hơn 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Biến động thị trường và đầu tư suy giảm do chiến tranh thương mại đã khiến tăng trưởng toàn cầu 2019 giảm xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng 2008 – 2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết. Hôm thứ ba, hãng sản xuất động cơ diesel Cummins cho biết họ vẫn sẽ phải trả 150 triệu USD tiền thuế cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, Cummins thúc giục hai nước nhanh chóng gỡ bỏ các thuế này.
Trump thì khẳng định sẽ gỡ thuế nếu hai bên đạt thỏa thuận giaia đoạn 2. "Việc này sẽ được thực hiện ngay khi chúng tôi hoàn thành giai đoạn 2", Trump cho biết và nhấn mạnh sẽ sớm đến Trung Quốc.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)