Khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xấu đi, có lo ngại rằng Mỹ sẽ bắt đầu một cuộc chiến toàn diện nhằm hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.
Dù đã có một số động thái ban đầu nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường vốn của Mỹ, các nhà phân tích vẫn cho rằng một cuộc chiến tài chính toàn diện là khó xảy ra vì nó sẽ khiến hai nước thiệt hại như nhau.
Scott Kennedy, Chuyên gia về Trung Quốc tại Centre for Strategic and International Studies (Washington), cho rằng hai nước không đứng trên bờ vực chiến tranh tài chính, vì đang có mối quan hệ tài chính 4.000 tỷ USD, và những động thái ảnh hưởng đến mối quan hệ này chỉ mới bắt đầu nhen nhóm.
Ding Shuang, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered cũng đồng quan điểm. Theo chuyên gia này, những căng thẳng hiện tại giống những cuộc chạm trán nhỏ hơn là chiến tranh.
Tuy nhiên, nếu Mỹ chuyển sang xử phạt các ngân hàng Trung Quốc để trả đũa việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới lên Hong Kong, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách xử phạt các công ty Mỹ hoạt động tại nước này. Theo ông Ding, đây sẽ là tình huống đôi bên cùng thua.
Đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm quỹ hưu trí chính của chính phủ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, vì cho rằng nước này che giấu thông tin về mức độ của Covid-19 và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuy nhiên, các quỹ hưu trí tư nhân khác thì không nghe theo Trump. Quỹ của Chính phủ chỉ nắm giữ 557 tỷ USD trong tổng số 22.400 tỷ USD tài sản của tất cả quỹ hưu trí Mỹ.
Đến cuối tháng 5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ phải tuân theo các tiêu chuẩn kiểm toán tài chính Mỹ. Theo đó, các công ty phải công bố đầy đủ cổ phần sở hữu nhà nước và liệu các lãnh đạo cấp cao có phải là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không. Dự luật phải được Hạ viện thông qua và được Trump ký để trở thành luật.
Các công ty Trung Quốc được niêm yết ở Mỹ phải tuân thủ các yêu cầu công bố ít nghiêm ngặt hơn so với các công ty Mỹ, điều này có thể mang lại lợi thế cạnh tranh nếu họ nhận được tài trợ hoặc trợ cấp từ chính quyền Trung Quốc, Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung cho biết trong báo cáo thường niên năm 2019.
Tính đến tháng 9/2019, 172 công ty Trung Quốc đã niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ, với tổng vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD. Chuyên gia Ding Shuang dự báo số công ty niêm yết tại Mỹ niêm yết tại Hong Kong sẽ ngày càng tăng. "Ít công ty sẽ tìm đến niêm yết tại Mỹ nếu dự luật trở thành luật", ông nói.
NetEase, công ty dịch vụ Internet và trò chơi niêm yết Nasdaq đang niêm yết thêm trên sàn Hong Kong. JD.com, Pinduoduo cũng cân nhắc điều này. Zhu Ning, Giáo sư tài chính và Phó hiệu trưởng tại Học viện Tài chính thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tăng yêu cầu các công ty trong nước công khai tài chính dù niêm yết tại đâu để lành mạnh hóa thị trường vốn. Nước này cũng có thể phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp để cung cấp thêm kênh huy động cho những công ty mất quyền tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.
Thay vì cứng rắn, Bắc Kinh đã và đang nỗ lực làm hài lòng các công ty tài chính Mỹ như cho phép họ toàn quyền kiểm soát các liên doanh Trung Quốc. Điều này cũng thuộc thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, với thống nhất mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc.
Goldman Sachs và Morgan Stanley đã nhận được sự cho phép từ Bắc Kinh vào tháng 3/2020 để nhận phần lớn cổ phần trong các liên doanh chứng khoán địa phương, vì Bắc Kinh báo hiệu sẽ mở rộng thị trường tài chính trong nước cho các công ty nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã xóa bỏ giới hạn với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện mua cổ phiếu và trái phiếu trong nước. Ít nhất về lý thuyết, người nước ngoài hiện có thể đầu tư bao nhiêu tùy thích vào chứng khoán Trung Quốc.
Đến giờ, các câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc sẽ tiếp tục tiếp cận thị trường vốn quốc tế ra sao, sau khi Trump tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới với Hong Kong.
Cùng với đó, vẫn còn một câu hỏi mở là Mỹ sẽ tiến xa đến mức nào trên mặt trận tài chính, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ không áp dụng các hình phạt có thể làm ảnh hưởng đến các công ty tài chính Mỹ đang làm ăn ở Hong Kong.
Tháng trước, hai nghị sĩ Mỹ giới thiệu một dự luật về biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các thực thể được coi là vi phạm Luật cơ bản của Hong Kong, một "hiến pháp nhỏ" được thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc khi chuyển giao đặc khu. Tuy nhiên, đến nay, Trump vẫn không đề cập gì thêm về chi tiết cách trừng phạt liên quan đến vụ Hong Kong.
Diana Choyleva, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Enodo Economics, cho biết Mỹ có một lựa chọn cỡ "vũ khí hạt nhân" là chặn các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bù trừ đồng USD. Tuy nhiên, ông Zhu Ning nói, lựa chọn này sẽ rất nguy hiểm vì làm tổn thương cả hai.
"Trung Quốc có thể bị thiệt hại nhiều hơn trên toàn cầu, nhưng Mỹ phải nhớ rằng sản xuất và tiêu thụ nội địa của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể", Zhu cho biết.
Yu Yongding, một thành viên cao cấp tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ tung ra những cú đáp trả mạnh mẽ với bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhưng sẽ không bao giờ chủ động thực hiện bất kỳ cuộc tấn công tài chính nào. Thêm vào đó, việc tách rời tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là không thể trong giai đoạn này, dù một số thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi.
"Quan hệ tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi một khi môi trường thay đổi, điều mà chúng ta đã nói đến từ lâu. Trung Quốc không lật bài ngửa nhưng sẽ có một loạt các biện pháp đối phó nếu tình hình xấu đi", ông Yu Yongding, người cũng là cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, bình luận.
Phiên An (theo SCMP)