Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung (S&ED) năm nay thu hút nhiều sự chú ý vì quan hệ hai nước đang có nhiều khúc mắc. Trước khi đối thoại chiến lược diễn ra, truyền thông đa phần dự đoán Mỹ - Trung sẽ có cuộc thảo luận gay gắt về vấn đề Biển Đông và an ninh mạng.
"Chúng tôi không che giấu những khác biệt. Chúng tôi không nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề. Chúng tôi thảo luận chúng và tìm cách giải quyết trực tiếp", trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố trước thềm cuộc gặp được nhiều báo trích dẫn với dự đoán cuộc họp song phương sẽ dậy sóng.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thể hiện sự lạc quan khi gọi cuộc đối thoại năm nay là "một trong những cuộc thảo luận có tính xây dựng và hiệu quả hơn những cuộc họp chúng ta từng có". Ông còn trực tiếp phản bác đánh giá của giới phân tích rằng quan hệ hai nước đang giảm sút. "Tôi không nghĩ rằng các bạn đã thấy 4 người ngồi đây đưa ra dấu hiệu nào cho thấy quan hệ đi xuống".
Giữ chủ đề tích cực, đối thoại chiến lược tập trung vào các vấn đề mà lợi ích của Mỹ và Trung Quốc có liên quan chặt chẽ nhất. Trong số 127 thỏa thuận được ký kết từ đối thoại thì có hơn 1/3 liên quan đến "hợp tác về biến đổi khí hậu và năng lượng" hay "hợp tác về bảo vệ môi trường".
Về kinh tế, có nhiều đề cập đến Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) nhưng không có đột phá lớn. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, hai nước thiết lập mục tiêu "trao đổi danh sách loại trừ mới vào đầu tháng 9". Điều này có nghĩa là điều lớn nhất có thể đạt được về BIT trước chuyến thăm Mỹ tháng 9 của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là một số tín hiệu tích cực về danh sách loại trừ mới, trong đó xác định những lĩnh vực sẽ bị hạn chế về đầu tư nước ngoài.
Hầu hết bàn thảo trong hai ngày hội đàm cấp cao bị giới hạn trong một cuộc chơi chính trị khách sáo, Doug Tsuruoka, cây bút của Asia Times nhận định. Tiến bộ đạt được về tài chính và thị trường khá khiêm tốn. Không bên nào bàn luận về các vấn đề song phương nghiêm trọng như an ninh mạng và Biển Đông trong một loạt các trao đổi "thẳng thắn".
An ninh mạng
Hồi đầu tháng này, hàng triệu nhân viên liên bang Mỹ đã bị đánh cắp thông tin cá nhân. CNN trích dẫn quan điểm của các chuyên gia mạng, cho rằng Trung Quốc có thể đứng đằng sau vụ tấn công. Một số nghi ngờ Bắc Kinh đang xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn để có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công tương lai chống lại Mỹ.
Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng chính phủ đã tài trợ cho hoạt động tấn công hoặc gián điệp mạng. Nước này hướng ngược sự chú ý về chương trình tình báo của Mỹ, được tiết lộ trong tài liệu rò rỉ của Edward Snowden. Tuy nhiên, Kerry lại phủ nhận việc Trung Quốc có "đáp trả tiêu cực" trong bàn luận về vấn đề mạng.
Mỹ dường như đang dùng biện pháp "vừa đấm vừa xoa". Trong khi ngoại trưởng Kerry giữ giọng điệu khá mềm mỏng thì Phó tổng thống Biden dường như cứng rắn hơn khi mở đầu bài phát biểu của mình bằng cảnh báo: "Các quốc gia sử dụng công nghệ máy tính làm vũ khí kinh tế, hay kiếm lợi nhuận từ việc trộm cắp tài sản trí tuệ đang hy sinh lợi ích của ngày mai vì lợi ích ngắn hạn trong hôm nay".
Biển Đông
Vấn đề Biển Đông gần như vắng mặt trong văn kiện bế mạc chính thức của S& ED, đặc biệt là sự phản đối của Mỹ đối với hoạt động cải tạo và xây dựng của Trung Quốc. Kerry đã cẩn trọng khi không gọi đích danh Trung Quốc trong bài phát biểu bế mạc của mình. Thay vào đó, ông nói "các nước có tranh chấp chủ quyền nên kiềm chế, không đơn phương hành động và giải quyết khác biệt theo quy định của pháp luật quốc tế". Tuyên bố này khá tương phản với những lời phê bình gay gắt mà giới chức quân sự Mỹ đưa ra gần đây.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Biden lại một lần nữa thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương. "Chúng tôi là một quốc gia Thái Bình Dương và bất kỳ điều gì xảy ra ở Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến Mỹ tương đương hoặc nhiều hơn bất kỳ phần nào khác của thế giới. Chúng tôi hiện là cường quốc ở Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục duy trì vị thế đó".
Với tuyên bố này, Washington tiếp tục khẳng định mình có quyền chính đáng khi quan tâm đến diễn biến trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ là thế lực thống trị đảm bảo ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng nhiều việc xảy ra tại châu Á nằm ngoài phạm vi quản lý của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng.
Ngoài ra, Mỹ có thể đã tìm cách giải quyết vấn đề gián tiếp, bằng cách tổ chức "cuộc họp về đại dương", trong khuôn khổ của S&ED. Phiên họp này bao gồm các chủ đề như bảo vệ môi trường biển, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật. Trong khi Biển Đông không được nêu trong bản tóm tắt chính thức của cuộc họp, thì nhiều chủ đề được bàn luận như chống đánh bắt cá trái phép, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên, tạo dựng và quản lý "khu bảo tồn biển" có thể được áp dụng hiệu quả ở Biển Đông và có khả năng giảm bớt căng thẳng.
Bỏ quên?
Shannon Tiezzi, cây bút của The Diplomat cho rằng Trung Quốc có thể đã né được vấn Biển Đông trong S&ED bằng tuyên bố hôm 16/6, thông báo dừng cải tạo ở Trường Sa. Trung Quốc đã xuống thang ngoại giao ngay trước thềm cuộc họp để xoa dịu Mỹ và các nước láng giềng.
Jhinuk Chowdhury, một nhà báo tự do viết trên RT rằng, khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhau thì hai bên càng khó có thể thảo luận một cách rõ ràng về các vấn đề nghiêm trọng. Xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giúp tạo ra gần 1 triệu việc làm ở Mỹ, trong khi đầu tư chung giữa hai bên đạt mức 120 tỉ USD. "Với sự liên kết về lợi ích giữa hai quốc gia như vậy, thì cả hai bên đều không thể chịu nổi cái giá nếu không hợp tác hoặc thậm chí là đối đầu trực tiếp", Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nói.
Robert Lawrence Kuhn, nhà chiến lược toàn cầu và cố vấn chính thức cho chính phủ Trung Quốc, cho rằng Mỹ - Trung thực chất có thể đã thỏa hiệp đằng sau hậu trường. "Bất kỳ tiến bộ nào đạt được về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông và tấn công mạng sẽ không được công khai, nhưng tôi chắc chắc rằng hai bên đã ngầm thống nhất không để các vấn đề phủ bóng quá lớn lên hội nghị và làm ảnh hưởng đến chuyến thăm của ông Tập đến Washington - một sự kiện cực kỳ quan trọng. Đồng thời, việc này còn nhằm không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi hay làm mất mặt trước công chúng", Kuhn nhận định.
Doug Tsuruoka, cây bút của Asia Times cho rằng không bên nào chiến thắng trong S&ED, và đây chỉ là một cuộc "tập dượt" cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9. Các vấn đề sẽ rõ ràng hơn trong chuyến thăm của ông Tập, sự kiện được dự đoán sẽ đưa ra những quyết định đột phá.
Phương Vũ