"Máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton của hải quân Mỹ tuần tra khu vực đông nam Đài Loan hôm 15/7. Hiếm khi phát hiện được UAV Mỹ trên Biển Đông", tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đăng trên Twitter hôm qua.
Máy bay tuần thám P-8A và tiếp dầu KC-135R cũng hoạt động ở khu vực tây nam Đài Loan hôm 16/7. Mục đích của những chuyến tuần tra này chưa được làm rõ, nhưng giới phân tích cho rằng hải quân Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực trinh sát vùng biển chiến lược được coi là điểm nóng có nguy cơ bùng phát xung đột giữa Bắc Kinh và Washington.
Hoạt động diễn ra trong bối cảnh Đài Loan tổ chức đợt diễn tập Hán Quang với kịch bản đối phó cuộc tấn công đổ bộ của Trung Quốc đại lục. Đây là một trong những hoạt động diễn tập quan trọng nhất của lực lượng phòng vệ Đài Loan, gồm nội dung mô phỏng tác chiến trên máy tính và bắn đạn thật tại nhiều khu vực trên hòn đảo.
"Việc triển khai các máy bay tuần thám biển như MQ-4C, P-8A và P-3C có thể giúp Mỹ theo dõi tàu mặt nước, tàu ngầm và nhiều hoạt động của Trung Quốc dưới lòng biển", Song Zhongping, chuyên gia quân sự tại Hong Kong, nhận xét.
MQ-4C Triton là UAV dành cho hải quân Mỹ, được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk của không quân. Máy bay dài 14,5 m, có sải cánh 40 m và khối lượng rỗng 6,7 tấn. Một chiếc MQ-4C có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 30 giờ, tầm hoạt động 15.200 km, trần bay 18 km và đạt tốc độ tối đa 575 km/h. Mỗi hệ thống có giá hơn 180 triệu USD.
So với dòng RQ-4 nguyên bản, những chiếc MQ-4C được gia cố khung thân, giúp chống chịu mưa đá, chim và sét đánh, cùng hệ thống chống đóng băng trên cánh. Dòng Triton cũng có thể nhanh chóng hạ độ cao xuống gần mặt biển để nhận diện tàu bè, tính năng không có trên mẫu Global Hawk.
Hệ thống Triton có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu tình báo, trinh sát và do thám (ISR) theo thời gian thực tại các vùng đại dương rộng lớn và duyên hải gần bờ, cũng như tham gia hoạt động tuần thám biển, tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ những trinh sát cơ P-8A Poseidon.
Cảm biến chính của Triton là radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/ZPY-3, có khả năng quan sát khu vực rộng 5.200 km2 chỉ trong một lần quét ở độ cao 17 km. Khi hoạt động ở tầm thấp, Triton có thể triển khai tổ hợp quang điện - hồng ngoại MTS-B tương tự mẫu MQ-9 Reaper, kèm theo đó là thiết bị chỉ thị và đo xa laser.
Máy bay cũng được lắp hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) dạng module tương tự máy bay do thám EP-3, cho phép phát hiện và nhận dạng tín hiệu radar từ xa, giúp xác định vị trí của lực lượng đối phương. Dữ liệu từ Triton có thể được dùng để xây dựng bản đồ phân bố lực lượng đối phương, từ đó lên kế hoạch tiến công hoặc bảo đảm an toàn cho đồng minh.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, MQ-4C cũng có thể đóng vai trò trạm trung chuyển và tổng hợp dữ liệu, cho phép kết nối các đơn vị nằm cách xa nhau trên chiến trường, xây dựng bức tranh không gian chiến trường và phân phối tới từng lực lượng.
Hải quân Mỹ đang là lực lượng duy nhất vận hành dòng MQ-4C với 68 máy bay được đặt hàng, trong đó hai chiếc đã được bàn giao và biên chế cho Phi đoàn tuần tra không người lái số 19.
Vũ Anh (Theo SCMP)