Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang tham gia loạt cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN. Trong các sự kiện này, Blinken được cho là sẽ kêu gọi ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên về Myanmar.
Tuy nhiên, ngay trước cuộc họp, thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, hôm 1/8 tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử và dỡ tình trạng khẩn cấp vào tháng 8/2023, muộn hơn 6 tháng so với mốc thời gian hai năm mà quân đội thông báo sau cuộc đảo chính hồi tháng 2.
Thông báo này cho thấy "ASEAN phải tăng cường nỗ lực vì chính quyền Myanmar rõ ràng chỉ đang câu giờ và muốn tiếp tục kéo dài mốc thời gian bầu cử vì lợi ích riêng của họ", một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
"Tất cả càng cho thấy tại sao ASEAN phải tham gia vấn đề này, cam kết và duy trì các điều khoản của sự đồng thuận 5 điểm mà Myanmar cũng đã ký kết", quan chức này nói thêm.
Ông Min Aung Hlaing, hiện là Thủ tướng chính phủ lâm thời do quân đội thành lập, đã tham dự hội nghị với các thành viên ASEAN hồi tháng 4 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar. Sau cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN tuyên bố đạt đồng thuận 5 điểm gồm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, cung cấp viện trợ, chỉ định một đặc phái viên và cử một phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar.
Tuy nhiên, hiện chưa có phái viên nào được bổ nhiệm và chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố chỉ khi tình hình trong nước ổn định mới xem xét đến bản đồng thuận này. Hơn 900 người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hậu đảo chính ở Myanmar.
Huyền Lê (Theo AFP)