Daleep Singh, phó cố vấn an An ninh Quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế, hôm 21/4 nhận định biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa không mang tính chiến lược nhập khẩu từ Trung Quốc "tạo đòn bẩy đàm phán" nhưng không phục vụ mục tiêu chiến lược cho Mỹ. Giảm thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng này còn là một trong các biện pháp để chính phủ đối phó lạm phát.
"Đây là cơ hội để chúng ta tái định hình mục tiêu của hàng rào thuế quan, để biện pháp này làm lợi cho những ưu tiên thực chất và mang tính chiến lược cho nước Mỹ", Singh chia sẻ tại sự kiện do Ủy ban Bretton Woods tổ chức tại thủ đô Washington.
Ông cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ duy trì áp thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng liên quan chuỗi cung ứng trọng yếu, công nghệ nền tảng và an ninh quốc gia. Hàng rào thuế quan đối với hàng tiêu dùng thông thường như xe đạp và may mặc có thể được nới lỏng.
Singh nhận định thỏa thuận nới lỏng thuế nhập khẩu cần diễn ra ở cả hai chiều, trong đó Trung Quốc cần bỏ lệnh áp thuế đối với một số mặt hàng phi chiến lược mua từ Mỹ. Ông nhận định Trung Quốc cũng có "nhiều quan ngại rất sâu sắc về chuỗi cung ứng" do tác động kinh tế từ chiến lược "Không Covid-19".
Chính quyền Biden vẫn duy trì phần lớn chính sách thương mại với Trung Quốc kế thừa từ người tiền nhiệm Donald Trump, trong đó có hàng rào thuế quan đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nếu Nhà Trắng xúc tiến cắt giảm mạnh mẽ thuế nhập khẩu như Singh đề cập, đây sẽ là nỗ lực đáng kể đầu tiên từ phía Mỹ nhằm thu hẹp quy mô chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sau ba năm.
Phương án giảm thuế nhập khẩu chống lạm phát được một số nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng ủng hộ.
Trong phiên điều trần hồi tháng 3 của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ở Hạ viện, nghị sĩ Chris Smith của đảng Cộng hòa kêu gọi chính phủ "đánh giá thường xuyên mọi lệnh áp thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm đảm bảo biện pháp này thật sự phục vụ mục tiêu ban đầu". Ông cho rằng mọi mặt hàng cần có cơ hội được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cân nhắc đặc cách điều chỉnh thuế nhập khẩu, trong khuôn khổ duy trì chính sách ứng phó hiệu quả đối với "những thực hành thương mại phi thị trường và không công bằng của Trung Quốc".
Bà Tai nhận định Mỹ cần thay đổi đối sách với Trung Quốc do Bắc Kinh không có ý định thực hiện bất kỳ "cải cách thực chất" nào nhằm giải quyết những quan ngại từ Washington. Bà nói đàm phán Mỹ - Trung về "thỏa thuận giai đoạn một" do chính quyền Trump ký kết năm 2020 vẫn gặp khó khăn, nhấn mạnh rằng Mỹ không nên chờ Trung Quốc thay đổi.
Katherine Tai nhận định Mỹ cần chuyển tập trung sang nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua củng cố năng lực sản xuất nội địa và đầu tư cho một số lĩnh vực như năng lượng sạch. Mỹ đồng thời cần khuyến khích các công ty sử dụng hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Daleep Singh ngày 21/4 chia sẻ chính quyền Biden tin chiến lược phát triển của Trung Quốc vẫn xoay quanh doanh nghiệp nhà nước và trợ giá chính phủ. Ông lo ngại Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro chiến lược nhằm "đạt đến quyền lực tối cao, chủ yếu thông qua thiết lập vị thế ưu việt về kinh tế và công nghệ".
Singh nhận định hệ lụy cuộc đua giữa Trung Quốc và phương Tây không hoàn toàn tiêu cực vì cạnh tranh sẽ thúc đẩy nhiều sáng kiến đột phá, đầu tư công và quản lý hiệu quả nguồn nhân lực. "Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn sẽ xuất hiện rạn nứt kinh tế", ông cảnh báo.
Thanh Danh (Theo SCMP)