"Chúng tôi đặc biệt quan ngại về các bình luận liên quan từ phía Mỹ. Chúng tôi tin rằng phía Mỹ cần làm rõ điều này", Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói trong cuộc họp báo hôm nay, nhắc đến một đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Ông Carter hôm qua đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự Mỹ tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.
"Chúng tôi luôn đề cao tự do hàng hải" ở Biển Đông, bà Hoa nói. "Nhưng tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu hoặc máy bay quân sự của nước ngoài có thể cố ý xâm nhập lãnh hải hay không phận của một quốc gia khác. Phía Trung Quốc sẽ kiên quyết giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia".
Bà Hoa sau đó ngầm chỉ trích Mỹ, rằng "các nước có liên quan tránh thực hiện các hành động nguy hiểm và mang tính khiêu khích".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy từ tháng 3/2014, Bắc Kinh đã cải tạo đất tại 7 khu vực thuộc quần đảo này và đang xây dựng đường băng phù hợp với mục đích quân sự trên một đảo nhân tạo.
Trong một diễn biến liên quan, thông cáo của Hải quân Mỹ hôm qua cho biết tàu Fort Worth đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau 7 ngày tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Fort Worth từng nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Vũ Hoàng