Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề xuất nhiều lựa chọn, trong đó có điều các phi cơ và tàu quân sự trong phạm vi khoảng 12 hải lý (22 km) xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết.
"Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để thể hiện rõ tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới", quan chức trên nói, đồng thời cho biết mọi lựa chọn đều cần được Nhà Trắng thông qua.
Theo người này, Mỹ cùng đồng minh có quan điểm rất khác với Trung Quốc về quy tắc các tuyến đường ở Biển Đông. Quá trình điều động phi cơ và tàu sẽ phù hợp với chiến dịch "Tự do Hàng hải" của quân đội Mỹ, một hoạt động được triển khai từ năm ngoái để thách thức yêu sách trên biển từ 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Lầu Năm Góc hiện chưa có bình luận nào.
Quyết định này sẽ trực tiếp thách thức kế hoạch tạo thêm lãnh thổ bằng hoạt động xây đảo quy mô lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực tranh chấp của Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy từ tháng 3/2014, Bắc Kinh đã cải tạo đất tại 7 khu vực thuộc quần đảo Trường Sa và đang xây dựng một đường băng phù hợp mục đích quân sự trên một đảo nhân tạo. Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng một số nước láng giềng như Philippines, Brunei, Malaysia, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc còn đang mở rộng kích thước một đường băng khác trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Reuters dẫn một đánh giá ước tính của Mỹ tuần trước cho biết Bắc Kinh đã tạo thêm diện tích hơn 8 km2 đất ở Biển Đông tính từ đầu năm 2014.
Trung Quốc từng bị Nhật Bản và Mỹ chỉ trích trong năm 2013 khi nước này đơn phương thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, yêu cầu phi cơ bay qua phải trình báo với Bắc Kinh. Washington sau đó điều máy bay ném bom B-52 qua ADIZ để phản đối.
Như Tâm