"Nó khiến họ đối mặt với nguy cơ bị cấm vận và không được ký các hợp đồng mua vũ khí trong tương lai. Cairo biết rõ điều này. Đây không phải thông tin mới", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách quan hệ chính trị - quân sự R. Clarke Cooper hôm qua nói bên lề Triển lãm hàng không Dubai, đề cập tới thương vụ mua hơn 20 tiêm kích đa năng Su-35S trị giá 2 tỷ USD được Ai Cập và Nga ký đầu năm nay.

Tiêm kích Su-35S Nga biểu diễn tại triển lãm ở Moskva hồi tháng 8. Ảnh: Russian Planes.
Quan chức Mỹ cho rằng tiêm kích Su-35S và các hệ thống vũ khí Nga có thể đe dọa khả năng phối hợp tác chiến giữa một quốc gia với Mỹ và các nước NATO.
Chính phủ Ai Cập chưa bình luận về thông tin này.
Mỹ cung cấp nhiều tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Ai Cập trong hàng chục năm qua, cũng như bán tiêm kích F-16, trực thăng vũ trang và nhiều loại khí tài hiện đại cho quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, Washington lại từ chối bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Cairo hay bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác ngoại trừ Israel, nhằm không phá vỡ thế cân bằng sức mạnh khu vực.
Quyết định của Mỹ khiến Ai Cập phải quay sang mua tiêm kích Su-35S của Nga trong bối cảnh không quân nước này đang rất cần hiện đại hóa để bắt kịp các nước láng giềng.
Washington từ lâu đã đe dọa sẽ trừng phạt Cairo theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh Cấm vận (CAATSA), vốn nhằm tới các quốc gia đặt mua vũ khí hiện đại từ Moskva, nếu hợp đồng Su-35S được thực hiện.
Dù vậy, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ai Cập định từ bỏ hợp đồng với Nga. Giới chuyên gia cho rằng Cairo sẽ không sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của Washington chỉ vì bị đe dọa cấm vận vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa năm nay bị Mỹ loại khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35 sau khi quyết tâm nhận bàn giao các hệ thống phòng không S-400 theo hợp đồng 2,5 tỷ USD ký với Nga năm 2017. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ankara theo CAATSA.
Vũ Anh (Theo Reuters)