Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuần trước đến Washington dự một loạt cuộc họp để đối mặt với câu hỏi quan trọng: London có nên mạo hiểm mối quan hệ với Bắc Kinh và đồng ý với yêu cầu của chính quyền Trump là cấm Huawei, công ty viễn thông hàng đầu thế giới của Trung Quốc, xây dựng mạng điện thoại và máy tính tân tiến, theo NYTimes.
Anh không phải là đồng minh duy nhất chịu sức ép từ Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng thúc giục Ba Lan cấm Huawei xây dựng mạng 5G. Họ cho rằng triển vọng Mỹ triển khai quân đội đến Ba Lan và đặt căn cứ tại đây có thể tác động đến quyết định của Warsaw.
Một phái đoàn quan chức Mỹ năm ngoái đến Đức, nơi hầu hết các tuyến cáp quang khổng lồ của châu Âu kết nối và cũng là nơi Huawei muốn thiết lập thiết bị chuyển mạch. Thông điệp của Mỹ là bất kỳ lợi ích kinh tế nào khi sử dụng các thiết bị viễn thông rẻ của Trung Quốc đều không thể lấp đi mối đe dọa an ninh đối với NATO.
Washington cho rằng thế giới đang tham gia vào một cuộc "chạy đua vũ trang" mới xoay quanh công nghệ thay vì vũ khí thông thường. Trong thời đại những vũ khí mạnh nhất được điều khiển bằng mạng thì bất kỳ quốc gia nào thống trị 5G cũng nắm được lợi thế kinh tế, tình báo và quân sự trong phần lớn thế kỷ này. Vì vậy, Mỹ đã tiến hành chiến dịch toàn cầu để ngăn Huawei và các công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng 5G.
Điều đầu tiên người dùng sẽ nhận thấy về mạng 5G là tốc độ ưu việt, dữ liệu ngay lập tức được tải xuống điện thoại. Đây là mạng đầu tiên được xây dựng để phục vụ cảm biến, robot, xe tự hành và các thiết bị liên tục cung cấp cho nhau lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này cho phép các nhà máy, công trường xây dựng và thậm chí cả thành phố được vận hành mà không cần sự can thiệp liên tục của con người. Nó cũng giúp thúc đẩy công cụ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo.
Nhưng những gì tốt hơn cho người tiêu dùng cũng tốt cho các nhóm tình báo và tin tặc. Hệ thống 5G phụ thuộc nhiều vào các lớp phần mềm phức tạp có khả năng thích ứng cao hơn và liên tục cập nhật dù người dùng không nhận ra - giống như chiếc điện thoại tự động cập nhật khi sạc qua đêm. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai kiểm soát mạng đều kiểm soát luồng thông tin và có thể thay đổi, định tuyến lại hoặc sao chép dữ liệu mà người dùng không hay biết.
Mỹ từ lâu đã lo ngại về công nghệ của Trung Quốc vì cho rằng các công ty có thể cài "cửa hậu" (phương pháp vượt qua các hàng rào bảo mật để xâm nhập vào thiết bị) vào các mạng viễn thông và máy tính để giúp cơ quan an ninh Trung Quốc chặn thông tin liên lạc của quân đội hay chính phủ và doanh nghiệp nước khác. Mỹ cho rằng một loạt cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nước này là do tin tặc Trung Quốc thực hiện.
Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã soạn thảo một sắc lệnh để cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc trong các mạng viễn thông quan trọng. Sắc lệnh này có thể được công bố trong vài tuần tới.
Mối lo ngại này trở nên cấp bách hơn khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu quyết định nhà cung cấp thiết bị nào sẽ xây dựng mạng 5G cho họ.
"Cần phải nhớ rằng mối quan hệ của công ty Trung Quốc với Bắc Kinh không giống như giữa công ty tư nhân với chính phủ ở phương Tây", William R. Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét. "Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc năm 2017 yêu cầu các công ty nước này hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo".
Nhà Trắng ra áp lực với Huawei trùng vào thời điểm chính quyền Trump gây sức ép thương mại với Trung Quốc bằng những đòn đánh thuế và buộc tội một số công dân Trung Quốc tấn công mạng.
Một số quốc gia đặt câu hỏi liệu chiến dịch của Mỹ có thực sự là vì an ninh quốc gia không, hay mục đích thật sự là ngăn chặn Trung Quốc giành lợi thế cạnh tranh.
Các quan chức Mỹ thì thấy có ít sự khác biệt giữa các mục tiêu đó. "Tổng thống Trump đánh giá việc khắc phục vấn đề kinh tế là rất quan trọng, không chỉ đơn giản là điều chỉnh cân bằng kinh tế, khiến Trung Quốc chơi theo luật mà mọi người đều tuân theo, mà còn để ngăn chặn sự mất cân bằng quyền lực chính trị, quân sự trong tương lai", John R. Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Trump, nói.
Chính quyền cảnh báo các đồng minh rằng 6 tháng tới rất quan trọng. Các quốc gia đang bắt đầu quyết định các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để xây dựng các hệ thống cơ bản cho mạng 5G.
Bắc Kinh coi thời điểm này là cơ hội để kết nối thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Âu, châu Á và châu Phi, những nước ngày càng chịu ảnh hưởng bởi sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
"Mọi thứ sẽ được kết nối, 'hệ thần kinh trung tâm' của những thành phố thông minh sẽ là mạng 5G", Chris Lane, nhà phân tích viễn thông ở Hong Kong, nói.
Thực tế, những lo ngại xoay quanh Huawei chủ yếu mang tính lý thuyết. Các quan chức và cựu quan chức Mỹ truyền tai nhau rằng các báo cáo mật cho thấy hành vi gián điệp của Trung Quốc nhưng không công khai bằng chứng.
Trong khi đó, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bác bỏ cáo buộc công ty ông do thám cho Trung Quốc. "Tôi yêu đất nước mình. Tôi ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tôi không bao giờ làm điều gì gây hại cho bất kỳ quốc gia nào", ông nói vào đầu tháng này.
Australia năm ngoái cấm Huawei và một nhà sản xuất khác của Trung Quốc là ZTE cung cấp thiết bị 5G. Các quốc gia khác đang đau đầu cân nhắc có nên theo chân họ hay không. Nếu làm vậy, họ có rủi ro gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc và không được sử dụng các sản phẩm giá rẻ.
Các quan chức chính phủ ở những nơi như Anh nhấn mạnh rằng Huawei vốn đầu tư rất nhiều vào các mạng đời cũ. Họ lập luận rằng Huawei vẫn sẽ trụ vững vì họ điều hành các mạng của một nửa thế giới và khó có thể tránh khỏi việc những mạng đó kết nối với mạng của Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, tập đoàn viễn thông Anh BT Group, bên đã mua lại một công ty sử dụng thiết bị của Huawei, cho biết họ có kế hoạch loại bỏ những thiết bị này. Động thái diễn ra sau khi tình báo Anh cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng. Vodafone Group, có trụ sở tại London, tuần trước nói rằng họ sẽ ngừng mua thiết bị của Huawei phục vụ cho mạng 5G.
Các nước đang chú ý đến căng thẳng xoay quanh việc Canada tháng 12 năm ngoái bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái của Nhậm Chính Phi, theo yêu cầu của Mỹ. Washington ngày 28/1 cáo buộc Huawei, hai công ty chi nhánh và Mạnh Vãn Chu có hành động gian lận và thông đồng liên quan tới các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran. Washington còn cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ robot của công ty T-Mobile.
Sau khi Mạnh bị bắt, Trung Quốc đã bắt hai công dân Canada và kết án tử hình một người buôn lậu ma túy.
"Các quốc gia châu Âu theo dõi những động thái này rất kỹ vì họ phải chọn phe", Philippe Le Corre, chuyên gia tại Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói. "Họ đang mắc kẹt ở giữa. Tất cả chính phủ này cần đưa ra quyết định. Huawei giờ đã có mặt ở khắp mọi nơi".
Tháng này, chính phủ Ba Lan thực hiện hai vụ bắt gián điệp cấp cao: cựu quan chức tình báo Piotr Durbajlo và Vương Vĩ Tinh, giám đốc kinh doanh của Huawei. Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy Huawei có liên quan đến hoạt động gián điệp.
Vương bị cáo buộc làm việc cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Huawei nhanh chóng sa thải ông và nói rằng các hành động của ông không liên quan đến hoạt động của công ty. Luật sư của Vương thì nói rằng thân chủ bị cuốn vào cuộc đấu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại Ba Lan, nhiều người rỉ tai nhau rằng các quốc gia sử dụng mạng viễn thông Trung Quốc không an toàn cho quân đội Mỹ.
Điều đó thu hút sự chú ý của chính quyền Ba Lan, đặc biệt khi Tổng thống Andrzej Duda tháng 9 năm ngoái thăm Nhà Trắng và đưa ra kế hoạch Mỹ xây dựng một căn cứ và khu đào tạo trị giá hai tỷ USD ở nước này mà ông gọi nửa đùa nửa thật là "Pháo đài Trump".
"Sự kiểm soát mạng 5G là một công cụ tiềm tàng nguy hiểm", Grzegorz Malecki, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Ba Lan, nói. "Theo cách nhìn của Ba Lan, việc đảm bảo sự hiện diện của đội quân Mỹ ở nước này vượt xa tất cả các mối quan tâm khác".