Một nhóm được gọi là ủy ban nguyên tắc, gồm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, hôm 23/12 gặp nhau tại Nhà Trắng, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mục đích của cuộc họp là "đưa ra loạt lựa chọn phù hợp mà chúng tôi có thể trình bày với Tổng thống để đảm bảo ngăn chặn người Iran và dân quân Shiite ở Iraq tiến hành các cuộc tấn công vào nhân viên của chúng tôi", quan chức này cho hay. Tuy nhiên, người này không mô tả nội dung các phương án hoặc liệu chúng có bao gồm hành động quân sự hay không.
"Mỗi lựa chọn được đưa ra đều không phải để leo thang tình hình mà chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo", quan chức nói.
Cuộc họp diễn ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tập kích rocket hôm 20/12, gây ra một số thiệt hại nhỏ. Quân đội Iraq đổ lỗi cuộc tấn công cho một "nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật".
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nói rằng cuộc tấn công "gần như chắc chắn" được tiến hành bởi "nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn". "Cuộc tấn công bằng 21 rocket này không gây ra thương tích hoặc thương vong cho Mỹ, nhưng gây hư hại cho các tòa nhà trong khuôn viên đại sứ quán và rõ ràng không nhằm tránh thương vong", tuyên bố của bộ chỉ huy cho hay.
Một quan chức Mỹ giấu tên khác nói rằng sau cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao, chiến lược đã được vạch rõ, nhưng không có động thái sử dụng vũ lực quân sự. Quan chức này nói thêm rằng tính toán có thể thay đổi nếu xảy ra các cuộc tấn công trong tương lai, đặc biệt nếu chúng gây hại cho người Mỹ.
Sau cuộc họp, Trump đăng Twitter cáo buộc rocket đến từ Iran và "chúng tôi biết sắp có thêm những cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ ở Iraq". "Một lời khuyên thiện chí cho Iran: Nếu một người Mỹ bị giết, tôi sẽ quy trách nhiệm cho Iran. Hãy nghĩ kỹ về điều này", Trump tuyên bố.
Trong những ngày gần đây, sự lo lắng và cảnh giác ngày càng tăng về những gì các lực lượng do Iran hậu thuẫn có thể tiến hành trước dịp kỷ niệm một năm tướng Iran Qassem Soleimani bị hạ sát hôm 3/1. Washington cáo buộc lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn thường xuyên tấn công rocket vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq, gồm cả gần đại sứ quán, nhưng không nhóm dân quân thân Iran nào lên tiếng nhận trách nhiệm.
Hồi tháng 10, một loạt nhóm dân quân thông báo họ đã đình chỉ các cuộc tấn công bằng rocket vào lực lượng Mỹ với điều kiện chính phủ Iraq phải đưa ra thời gian biểu cho việc rút quân của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tập kích rocket vào đại sứ quán Mỹ hôm 18/11 là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã quyết định nối lại các cuộc tấn công vào các căn cứ Mỹ, theo quan chức an ninh Iraq.
Washington, đang giảm dần 5.000 quân ở Iraq, đã dọa đóng cửa đại sứ quán, trừ khi chính phủ Iraq ngăn chặn các lực lượng liên kết với Iran.
Huyền Lê (Theo Reuters)