"Tôi sẽ không nói về điều đó bây giờ, do mọi thứ đang diễn ra", Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần trước nói với các phóng viên về chiến dịch phản công của quân đội Ukraine ở mặt trận đông bắc, dù thừa nhận đà tiến mà Kiev đã đạt được.
Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng không đưa ra những tuyên bố hân hoan về chiến dịch của Ukraine. Thay vào đó, giới quan chức quốc phòng Mỹ dường như đang hướng tới lên kế hoạch cung cấp thêm vũ khí và tăng cường huấn luyện cho Ukraine, đồng thời thận trọng chờ đợi phản ứng của Nga trước thất bại bất ngờ trên chiến trường.
Nhiều người ăn mừng vì những gì Ukraine đạt được cuối tuần qua, song các quan chức Mỹ đánh giá Nga vẫn còn nhân sự và nguồn lực để huy động, trong khi lực lượng của họ vẫn kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraine.
"Tôi đồng ý rằng không nên vội đưa ra kết luận, bởi Nga vẫn còn nhiều quân bài chưa sử dụng", Philip Breedlove, cựu đại tướng Mỹ từng chỉ huy lực lượng NATO, đánh giá.
"Ukraine rõ ràng đang tạo ra những thay đổi lâu dài ở miền đông và miền bắc. Tôi cho rằng nếu phương Tây trang bị cho Ukraine một cách hợp lý, họ có thể giữ vững thành quả của mình", ông Breedlove nói.
Các nghị sĩ Mỹ đánh giá các loại vũ khí chính xác và pháo phản lực mà Mỹ cùng các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine là chìa khóa tạo ra thay đổi đáng kể trên chiến trường, trong đó có Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) và Tổ hợp Tên lửa Diệt radar Tốc độ cao (HARM).
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết nước này đang xem xét nhu cầu quân sự trong tương lai của Ukraine, trong đó có thảo luận về cung cấp huấn luyện tác chiến chuyên sâu cho các đơn vị lớn hơn, thay vì đào tạo các đơn vị nhỏ như hiện nay.
Mỹ cũng đang xem xét chuyển thêm các tổ hợp phòng không, máy bay không người lái (UAV) vũ trang và trinh sát cho Ukraine.
Đợt phản công của Ukraine tại Kharkov diễn ra sau chiến dịch nghi binh tại Kherson, nơi Nga dồn lực lượng tới đối phó, mang lại thay đổi lớn về lãnh thổ hai bên kiểm soát sau hơn nửa năm chiến sự.
Các quan chức Mỹ thừa nhận nước này cung cấp thông tin tình báo giúp Ukraine phản công, song từ chối cho biết mức độ hoặc liệu phương Tây có làm Nga mất cảnh giác với đòn hỏa mù ở miền nam Ukraine hay không.
Họ cho hay dù được Mỹ cung cấp thông tin về điều kiện thực địa, "lựa chọn cuối cùng thuộc về Ukraine". "Quân đội và giới lãnh đạo Ukraine đã đưa ra quyết định về cách thức tổ chức đợt phản công này", quan chức Mỹ cho biết.
Quân đội Ukraine ngày 12/9 thông báo tái kiểm soát hơn 20 khu dân cư và đẩy lùi lực lượng Nga tới biên giới. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội Ukraine "đã giải phóng 6.000 km2 lãnh thổ ở miền đông và miền nam" và đang duy trì đà phản công.
Đại tướng Breedlove nhận định bất chấp tổn thất trong các trận giao tranh vừa qua, Nga vẫn còn rất nhiều xe tăng, xe tải và nhân sự có thể huy động cho chiến dịch.
Ông cảnh báo mùa đông có thể tạo ra những thử thách khó khăn nhất cho cả Ukraine lẫn phương Tây. Các động thái của Nga gần đây nhằm cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, dự kiến làm tăng giá mặt hàng này, có thể xoay chuyển dư luận trong khu vực về vấn đề Ukraine.
Một câu hỏi quan trọng trong tương lai là quốc hội và công chúng Mỹ sẵn sàng chi bao nhiêu cho chiến sự tại Ukraine. Hiện chưa rõ liệu thành công của Ukraine trong đợt phản công lần này có tác động tới cuộc tranh luận đang diễn ra hay không.
Mỹ đã rót hơn 15 tỷ USD hỗ trợ vũ khí, đạn dược và các khoản khác cho Ukraine kể từ tháng 1, đứng đầu các quốc gia thành viên NATO trong hoạt động này. Nhà Trắng gần đây đề xuất quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá 11,7 tỷ USD cho Ukraine.
"Tới nay, tôi chưa thấy ai giảm bớt quan tâm về tiếp tục hỗ trợ Ukraine", thượng nghị sĩ Mỹ Roy Blunt nói. "Tôi cho rằng khi chứng kiến Ukraine tiếp nhận vũ khí và đạt được thành công, phương Tây có thêm động lực để tăng cường hỗ trợ hơn nữa".
Nguyễn Tiến (Theo AP)