Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/4 cho biết GDP 3 tháng đầu năm của nước này tăng 6,4% (đã hiệu chỉnh trên cơ sở năm). Trước đó, các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones dự báo mức tăng là 6,5%. Tuy nhiên, con số thực tế vẫn nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên gia.
"Điều này báo hiệu nền kinh tế đang phát triển và sẽ là một năm bùng nổ", kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics nhận xét, "Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ đang cung cấp năng lượng cho đoàn tàu kinh tế và các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ".
Tăng trưởng quý vừa qua đến từ nhiều lĩnh vực, bao gồm tăng tiêu dùng cá nhân, đầu tư cố định và chi tiêu của chính phủ. Người tiêu dùng đã tăng chi tiêu 10,7% trong quý I, mạnh hơn so với mức tăng 2,3% quý trước. Các khoản chi chủ yếu tập trung vào hàng hóa, tăng 23,6%. Chi cho dịch vụ, vốn là mắt xích còn thiếu trong quá trình phục hồi, vẫn tăng 4,6%.
Chi tiêu cho hàng hóa như đồ gia dụng và đồ dùng lâu bền khác tăng đến 41,1%. Người tiêu dùng bạo tay sắm sửa nhờ vào đợt phát tiền mới trị giá 1.400 USD gần đây. Dù các con số chỉ ra rằng nhiều người đã sử dụng số tiền đó để chi tiêu, họ cũng đã tiết kiệm được một phần đáng kể. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên 21%, từ mức 13% trong quý IV/2020.
"Với tỷ lệ tiết kiệm tăng cao, các hộ gia đình đang rủng rỉnh tiền mặt. Giờ đây, khi các hạn chế được nới lỏng nhờ tiêm chủng, họ có thể tăng chi tiêu cho các dịch vụ từng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và không cần quá thắt lưng buộc bụng", Paul Ashworth, Nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại Capital Economics, phân tích.
Nhập khẩu tiếp tục tăng 5,7%, trong khi xuất khẩu giảm 1,1%. Chi tiêu và đầu tư của chính phủ tăng 6,3%. "Lực cản thực sự duy nhất đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục là thương mại, vì Mỹ đang phục hồi nhanh hơn các nước khác. Chúng ta đang mua hàng và phần còn lại của thế giới vẫn chưa cung ứng kịp", Zandi nói.
Những con số mới nhất phản ánh nền kinh tế Mỹ đã đạt được những bước tiến lớn kể từ cuộc phong tỏa năm 2020 khiến hơn 22 triệu người lao động rơi vào ngưỡng thất nghiệp và GDP giảm chưa từng có trong quý II/2020. Tuy nhiên, Cục Nghiên cứu Kinh tế vẫn chưa tuyên bố chấm dứt suy thoái tại Mỹ.
Trong khi khoảng 14 triệu người đã quay lại làm việc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ước tính hiện tại có khoảng 8,4 triệu người làm ít hơn so với trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 14,7% xuống còn 6%, nhưng vẫn cao hơn tháng 2/2020.
Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ hôm 29/4 cho thấy 553.000 người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước. Đây là mức thấp kể từ khi có dịch, nhưng cao hơn ước tính của Dow Jones là 528.000. Thị trường việc làm khó khăn tiếp tục tác động lên chính sách tiền tệ.
Fed hôm thứ 28/4 lưu ý rằng "các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã tăng lên trong thời gian gần đây, dù các lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi đại dịch vẫn còn yếu". Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dù hoạt động trên thị trường nhà ở hiện cao hơn so với trước đây và các lĩnh vực khác đã phục hồi về gần mức trước đại dịch, sự phục hồi vẫn "không đồng đều và chưa hoàn thành".
Quốc hội Mỹ đã phân bổ khoảng 5.300 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên 1.700 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2021 và khiến nợ quốc gia tăng vọt lên 28.100 tỷ USD. Cơ quan này cũng đang xem xét kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.800 tỷ USD từ Nhà Trắng.
Phiên An (theo CNBC)