Tổng thống Joe Biden đang đặt cược với kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 2.250 tỷ USD, tập trung vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi, đưa Mỹ vào vị thế tốt hơn để cạnh tranh với Trung Quốc.
Theo một nghĩa nào đó, Biden đang đi theo con đường tương tự Trung Quốc. Bởi lẽ, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đặt nền tảng cho sự phát triển đất nước trong bốn thập kỷ qua.
Nhưng khi nói đến việc sửa chữa và xây dựng đường bộ, đường sắt và các hình thức vận tải khối lượng lớn khác, có sự khác biệt rõ rệt trong cách Mỹ và Trung Quốc tiếp cận chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Đầu tiên và quan trọng nhất, Mỹ không thể sao chép cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc với việc lập kế hoạch và quản lý kinh tế, điều đã cho phép Bắc Kinh kiểm soát đại dịch và thực hiện các quyết định chi tiêu cho cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng.
"Trung Quốc có lợi thế về thể chế", Giáo sư Liu Yipeng tại Trường Kinh doanh Henley thuộc Đại học Reading (Anh) chỉ ra sự khác biệt của hai hệ thống chính trị. "Có một sự đánh đổi thực sự. Nếu bạn không kiểm soát tốt Covid-19 và muốn khởi động lại nền kinh tế, luôn có nguy cơ dịch quay trở lại. Về cơ bản, bạn sẽ bị thương một lần nữa", ông nói.
Ngoài ra, hệ thống chính trị Mỹ đặt ra các giới hạn đối với số tiền mà Biden có thể chi tiêu, cũng như các dự án có thể được sử dụng. Điều này khiến cho các dự án của Mỹ được tiến hành khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, nhưng cũng đồng nghĩa là có những giới hạn về việc tích lũy nợ liên quan đến các dự án đó.
"Sự khác biệt so với Trung Quốc là rất lớn. Thứ nhất, các ràng buộc và kiểm soát ngân sách của Mỹ chặt chẽ hơn sẽ hạn chế việc tích tụ nợ liên quan đến chi tiêu cơ sở hạ tầng", Rory Green, Nhà kinh tế học về Trung Quốc và Bắc Á tại công ty nghiên cứu TS Lombard trụ sở ở London, cho biết.
Thứ hai là thời gian thực hiện chậm hơn nhiều. Khi Bắc Kinh quyết định đầu tư, tiền sẽ đến nền kinh tế thực khá nhanh. Chính quyền địa phương có các dự án sẵn sàng đầu tư và được khuyến khích nhiều để bắt đầu chi tiêu nhanh chóng.
Ở Mỹ có thể mất vài năm để chi tiêu có hiệu quả, làm giảm tác động của nó. "Trong 2 thập kỷ qua, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là phương pháp hàng đầu của Trung Quốc để chống lại suy giảm kinh tế, đồng thời hỗ trợ sự phát triển dài hạn", ông nói.
Năm ngoái, để giảm bớt tác động của đại dịch lên nền kinh tế, Bắc Kinh đã nâng mức thâm hụt tài khóa lên cao kỷ lục và cho phép các chính quyền địa phương vay cũng ở mức kỷ lục để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Nợ khu vực công của Trung Quốc đã tăng lên 46.550 tỷ nhân dân tệ (7.170 tỷ USD), bao gồm 20.890 tỷ nhân dân tệ do chính quyền trung ương nợ và 25.660 nghìn tỷ nhân dân tệ nợ của chính quyền địa phương. Tỷ lệ nợ trên GDP tổng thể của Trung Quốc đã tăng lên 270,1% vào năm ngoái, từ 246,5% vào năm 2019, theo số liệu từ Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia.
Chi tiêu đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% vào năm 2020. "Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là công cụ rất thành công đối với Trung Quốc để ổn định hoạt động kinh tế trong thời kỳ suy thoái tăng trưởng", Green nói.
Với việc đại dịch vẫn là mối đe dọa với sự phục hồi kinh tế, chính quyền Biden đã đề xuất một sáng kiến cơ sở hạ tầng trong nước. Chúng bao gồm nâng cấp các cây cầu, đường sá, đường sắt, sân bay và hệ thống giao thông đô thị cũ kỹ, đồng thời mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước. Quốc hội vẫn cần phê duyệt kế hoạch, vì vậy các chi tiết có thể thay đổi phần nào.
Hầu hết nhà phân tích tin rằng kế hoạch của Biden là cần thiết và có thể hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế vì Mỹ đã nhiều năm không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với mức chi tiêu trung bình khoảng 2,4% GDP kể từ năm 2010 - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc với tỷ lệ là 8%.
Các nhà phân tích cho rằng, để đạt hiệu quả cao nhất, kế hoạch của Biden nên tập trung vào việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng hỗ trợ sự phát triển kinh tế tổng thể trong tương lai và việc tạo ra việc làm mới phải là sản phẩm phụ của các dự án đó, chứ không phải là mục tiêu chính.
"Cơ sở hạ tầng của Mỹ cần được nâng cấp. Do đó, về nguyên tắc, một gói cơ sở hạ tầng có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế", Louis Kuijs, Trưởng bộ phận Kinh tế Châu Á tại Oxford Economics, cho biết.
Bất chấp một số thất bại, Trung Quốc đã làm rất tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế của mình. Kuijs nói có những sân bay ở Trung Quốc mang lại lợi nhuận kinh tế khá kém. Nhưng mạng lưới đường sắt tốc độ cao thì rất xứng đáng. "Theo quan điểm của tôi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây nhìn chung đã phục vụ tốt cho nền kinh tế", vị này nói.
Trung Quốc và Mỹ cũng ở trong các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, với các mục tiêu khác nhau về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đang trong giai đoạn thúc đẩy đô thị hóa, tìm cách di chuyển nhiều hơn cư dân nông thôn đến các thành phố lớn.
Điều này có nghĩa Trung Quốc có nhu cầu lớn hơn Mỹ với phương tiện giao thông mới kết nối lao động chi phí thấp và nguồn lực từ khu vực nông thôn với các thành phố công nghiệp, theo phân tích của SWS Research ở Thượng Hải.
"Ở giai đoạn này, mức độ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cao hơn mức độ phát triển sản xuất. Tác động của cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế Trung Quốc là thúc đẩy dòng người và đẩy nhanh sự gia tăng nhu cầu, do đó kích thích nguồn cung của ngành sản xuất", SWS Research cho biết.
Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho 6 dự án đường sắt cao tốc ở Trung Quốc. Đơn vị này cho biết trong một nghiên cứu năm 2019 rằng 4 trong số các dự án đã hoàn thành đang tạo ra lợi nhuận kinh tế tích cực, mang lại cho khoản đầu tư tỷ suất lợi nhuận kinh tế ước tính là 8%.
Bằng cách chi tiêu nhiều hơn để cải thiện cơ sở hạ tầng ở Mỹ, đề xuất của Biden cũng nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng bằng cách tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động có kỹ năng để lấp đầy việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Trong khi đó, cách tiếp cận dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã không ngăn chặn được sự suy giảm đầu tư sản xuất, dẫn đến ít việc làm hơn trong lĩnh vực này do chi phí lao động tăng. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng đã giảm đều đặn, từ 30,3% năm 2012 xuống 27,5% năm 2020. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng yếu được cho là sẽ kìm hãm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn.
Hơn nữa, việc phụ thuộc quá nhiều vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng có thể dẫn đến sự phục hồi không cân bằng, theo Shaun Roache, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global.
"Nó cũng không giúp tạo ra nhiều việc làm, vì ngành dịch vụ hiện là động cơ tăng trưởng việc làm. Rất ít kích thích năm 2020 của Trung Quốc tác động trực tiếp đến các hộ gia đình và chúng tôi cho rằng đây là một lý do khiến chi tiêu tiêu dùng yếu và lĩnh vực dịch vụ đang tụt hậu", Roache nói.
Joshua Kurlantzick, một thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết đối với Mỹ, vẫn còn những điều không chắc chắn về số tiền tài trợ sẽ được phân bổ để đại tu cơ sở hạ tầng.
Các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện vừa phác thảo đề xuất cơ sở hạ tầng của riêng họ, tập trung vào hệ thống giao thông, băng thông rộng và nước, nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với đề xuất của Biden.
"Không thể nói gì vào thời điểm này", Kurlantzick nói, "Thậm chí còn không rõ kế hoạch cuối cùng sẽ được quốc hội đưa ra, chứ chưa nói đến việc nó có thể so sánh như thế nào với chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc".
Phiên An (theo SCMP)