Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) mới đây công bố khoản tài trợ trên 5,8 triệu USD cho 26 dự án nghiên cứu mới trên toàn cầu nhằm khám phá, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp đột phá cho những thách thức quan trọng đối với phát triển toàn cầu.
Các khoản tài trợ của USAID được trao thông qua Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER), với trị giá dao động từ 54.000 USD đến 300.000 USD, trong đó có ba dự án của các nhà khoa học Việt Nam, theo thông cáo báo chí hôm nay của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Ba dự án này bao gồm nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Oanh, thuộc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam và Thái Lan, về sử dụng vi sinh để loại bỏ chất ô nhiễm độc hại từ đất; nghiên cứu chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành công cụ giải quyết ô nhiễm đất của Đặng Thương Huyền từ Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và nghiên cứu các phương pháp loại bỏ chất ô nhiễm tiết kiệm chi phí thông qua phân tích đất và thử nghiệm các kỹ thuật kích thích sự phát triển của vi sinh vật của Nguyễn Khởi Nghĩa thuộc Đại học Cần Thơ.
Chương trình PEER được thành lập từ năm 2011, hỗ trợ nâng cao năng lực về khoa học và nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu và các viện nghiên cứu trên toàn cầu. Sau 9 vòng trao tài trợ, PEER đã giúp hơn 300 nhà nghiên cứu ở trên 50 quốc gia tìm ra các giải pháp dựa trên bằng chứng để giải quyết những thách thức phát triển ở nhiều khu vực và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mục tiêu của USAID qua chương trình này là hỗ trợ các chính phủ, các nhà nghiên cứu, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân tạo dựng một xã hội bền vững và thích ứng. Đồng thời, cơ quan này cũng mong muốn góp phần thúc đẩy khả năng tự lực của các nước đối tác của Mỹ, để giải quyết các thách thức của mỗi quốc gia.
Thanh Tâm