Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/8 nâng cảnh báo đi lại với Niger lên cấp 4, mức cao nhất, yêu cầu công dân không đến nước này, đồng thời sơ tán các nhân viên không thiết yếu tại đại sứ quán và gia đình của họ khỏi thủ đô Niamey.
"Đại sứ quán Mỹ tại Niamey đã cắt giảm nhân lực, đình chỉ những dịch vụ thông thường và chỉ có thể hỗ trợ công dân Mỹ tại Niger trong trường hợp khẩn cấp", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn. Washington chưa yêu cầu toàn bộ công dân Mỹ rời khỏi Niger.
Mỹ đã áp dụng cảnh báo đi lại mức 3 (khuyến cáo công dân xem xét lại kế hoạch đi lại) với Niger từ tháng 10/2022 do "tình hình tội phạm, nguy cơ khủng bố và bắt cóc" tại quốc gia này.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 1/8 nói Washington đã đình chỉ hoạt động huấn luyện với lực lượng Niger. Khoảng 1.000 lính Mỹ đang đồn trú tại nước này.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 tiến hành đảo chính, quản thúc tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum tại dinh thự. Tướng Abdourahamane Tiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum.
Mỹ và các nước châu Âu lên án cuộc đảo chính Niger, yêu cầu chính quyền quân sự nhanh chóng thả ông Bazoum. Niger là quốc gia thứ ba ở vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso.
Tình hình an ninh tại Niger sau đó trở nên căng thẳng, với các cuộc biểu tình bài Pháp bùng phát ở Niamey. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 30/7 cảnh báo Pháp sẽ "lập tức hành động và không khoan nhượng" nếu công dân hoặc lợi ích của Paris bị xâm phạm.
Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 yêu cầu Niger khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần, cảnh báo sẽ sử dụng "mọi biện pháp", bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger sau hạn chót. Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, cho biết họ sẵn sàng tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Vũ Anh (Theo AFP)