Washington và Berlin ngày 10/7 ra tuyên bố chung cho biết các loại vũ khí tầm xa Mỹ dự kiến triển khai tại Đức là Tên lửa Tiêu chuẩn 6 (SM-6), tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu vượt âm đang phát triển.
Chúng có tầm bắn "xa hơn đáng kể" so với những loại tên lửa phóng từ mặt đất mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu và là một phần trong nỗ lực nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với NATO và năng lực phòng thủ châu Âu.
Tên lửa Tomahawk được gọi là "sứ giả chiến tranh", do chúng thường được Mỹ khai hỏa để đánh phủ đầu đối phương trong nhiều cuộc chiến tranh, từ cuộc chiến vùng Vịnh đến nay. Tên lửa này có giá 1,5 triệu USD/quả, được lắp đầu đạn nặng 454 kg, tầm bắn khoảng 1.600 km, dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Trong khi đó, vũ khí siêu vượt âm có thể di chuyển với vận tốc ít nhất là Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Chúng thường được mô tả là loại vũ khí "vô hình" do tốc độ bay rất cao và khả năng cơ động trong hành trình giúp tránh được phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.
Do có khả năng đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa hơn 500 km, các loại tên lửa phóng từ mặt đất mà Mỹ dự định triển khai tại Đức từng bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) tới khi Washington rút khỏi thỏa thuận vào năm 2019, kéo theo động thái tương tự của Moskva.
Mỹ sau đó đẩy nhanh phát triển các hệ thống phóng trên bộ như Bệ phóng Tên lửa Tầm trung Typhon, có khả năng tương thích với tên lửa SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu vượt âm như mẫu LRHW.
Khi rút khỏi INF, Nga tuyên bố sẽ không sản xuất và triển khai tên lửa bị cấm theo hiệp ước, nếu Mỹ không đưa loại vũ khí này đến các nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/8 nhận định phải thay đổi điều này.
Theo ông, Mỹ không chỉ chế tạo tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất, mà còn đưa chúng đến Đan Mạch và Philippines để diễn tập. "Có lẽ Nga sẽ phải bắt đầu chế tạo các loại tên lửa tương tự và quyết định địa điểm triển khai dựa trên tình hình thực tế cùng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia", Tổng thống Putin nói.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định chiến sự Nga - Ukraine đã cho thấy giá trị của các đòn tập kích tầm xa.
Nga nhiều lần triển khai các đợt tập kích hiệp đồng với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa, thường kết hợp với máy bay không người lái (UAV) tự sát, nhằm vào mục tiêu quân sự và hạ tầng trọng yếu của Ukraine. Quân đội Ukraine cũng dựa vào các loại vũ khí tầm xa để tấn công mục tiêu Nga ở bán đảo Crimea hoặc cơ sở quân sự, hạ tầng chiến lược sâu trong lãnh thổ.
Nguyễn Tiến (Theo BI, Reuters)