- Tại sao ông lại cho rằng Mỹ sẽ gặp khó khăn?
- Vụ kiện này phức tạp hơn vụ cá basa vì quy mô của nó rất lớn. Ngoài Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ còn dự định kiện 15 nước khác trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador... Riêng đối với Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu tôm sú vào thị trường Mỹ lớn hơn nhiều so với cá basa, nhưng cũng không hề bán phá giá. Phía nguyên đơn sẽ không dễ thắng kiện vì bên bị kiện đã có chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, các nhà sản xuất tôm của Mỹ cũng yếu hơn về khả năng tài chính khi họ phải đối mặt với liên minh 16 nước xuất khẩu.
- Đưa ra vụ kiện này, phía nguyên đơn có căn cứ gì?
- Các nhà sản xuất của Mỹ dự kiến đến tháng 6/2003 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để đưa ra kiện các nước xuất khẩu tôm. Thực ra bản chất của việc kiện chống bán phá giá chỉ là để bảo hộ sản xuất trong nước. Khi doanh nghiệp Mỹ cảm thấy không đủ sức cạnh tranh thì họ thường sử dụng những biện pháp như thế này. Đây là một hàng rào rất phi lý tự Mỹ đặt ra và chính nó có thể bị Tổ chức thương mại Thế giới kiện trong tương lai vì không đúng với tinh thần tự do hoá thương mại.
- Hiện VASEP có những hành động gì để đối phó với vụ kiện tôm sú?
- Khi vừa nhận được những thông tin ban đầu, VASEP đã bắt đầu triển khai đặt quan hệ với công ty luật để thuê luật sư tư vấn sau này. Vừa qua VASEP cũng phối hợp với các nước để thành lập liên đoàn xuất khẩu thuỷ sản khối ASEAN + Trung Quốc + Ấn Độ để đối phó với vụ kiện. Ngoài ra, về phía khách hàng nhập khẩu tôm của Mỹ hiện cũng đã thành lập một hiệp hội để bảo vệ người tiêu dùng.
(Theo Lao Động )