Đề nghị này không phải là mới, không phải sáng kiến kiểu "khoa học tên lửa" mà là lẽ thường trong nhận thức chung giữa các nước, Reuters dẫn lời ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết hôm qua, trước chuyến đi của ông Kerry.
"Là một nước lớn và hùng mạnh, Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc kiềm chế. Việc thể hiện sức mạnh quân sự sẽ để lại dấu chân lớn, hãy đảm bảo việc đặt dấu chân của bạn một cách rất cẩn trọng và bước đi thận trọng khi đang ở trong khu vực nhạy cảm", ông Russel nói.
Ưu tiên của ông Kerry tại ARF lần này là giảm căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và một số thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông. Đây là tuyến đường giao thương quan trọng bậc nhất trên thế giới với giá trị khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
"Nền kinh tế khu vực quá quan trọng và quá mong manh để bất kỳ nước nào hay bất kỳ bên nào liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bán quân sự trong nỗ lực trả đũa, hăm dọa hay ép buộc", ông Russel phát biểu.
Ông Russel cho rằng các nước có tranh chấp ở Biển Đông có cơ hội thực hiện những bước đi tự nguyện, nhận dạng những hành động gây phiền nhiễu nếu không bên nào đơn phương khiêu khích.
Việc "đóng băng" các hành động khiêu khích có thể bao gồm việc tuân theo thỏa thuận không chiếm giữ các thực thể không có người ở, và quan trọng hơn là tạm ngừng nỗ lực khai hoang trên các đảo, đá, không làm thay đổi nguyên trạng. Washington cũng mong thấy những tiến triển của ASEAN và Trung Quốc trong việc nhất trí về bộ Quy tắc ứng xử COC.
Trung Quốc, nước cũng sẽ tham dự ARF, hôm qua phản đối việc đóng băng các hành động ở Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh có thể xây dựng bất cứ cái gì họ muốn ở các đảo. Trung Quốc yêu sách đến 90% diện tích Biển Đông và điều này bị các nước liên quan kịch liệt phản đối.
Sau khi đặt giàn khoan trái phép trên vùng thềm lục địa Việt Nam, tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hôm 7/5. Ảnh: AP
Việc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế vào giữa tháng 7 nhưng vẫn để lại "dư âm" trong quan hệ với Việt Nam và có thể nêu lên nghi vấn giữa các nước láng giềng về chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Các nước liên quan, gồm Việt Nam có thể làm nhiều hơn để làm rõ cái mà nước này nói là tuân theo luật pháp quốc tế, ông Russel nói.
Philippines trước đó cho biết sẽ đề xuất đóng băng các hành động gây căng thẳng tại ARF, hoàn tất COC và sử dụng tòa án phân xử để giải quyết các tranh chấp trên biển.
ARF là một cơ chế đối thoại an ninh khu vực quan trọng, ra đời năm 1994, đến nay có 27 nước tham gia gồm ASEAN và các bên đối thoại như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Hội nghị ARF tới đây diễn ra ở Myanmar cuối tuần này.
Khánh Lynh