Ông Yi Xianliang, Phó tổng Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng đề xuất "đóng băng" các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông là vô ích. Ông Yi cho rằng, mục đích của đề nghị này là làm suy yếu những nỗ lực bấy lâu nhằm vạch ra bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Phát biểu của ông Yi được đưa ra trong bối cảnh các ngoại trưởng ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị về an ninh vào tuần này với các đối tác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Tranh chấp biển ở châu Á có khả năng là một nội dung lớn trong các cuộc trao đổi.
Philippines sẽ đề xuất các nước “đóng băng” tất cả những hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông tại hội nghị trên. Đề xuất này nằm trong một bản kế hoạch gồm ba phần của Manila. Mỹ, đồng minh của Philippines, cũng kêu gọi tất cả các bên dừng các hoạt động trên những vùng biển tranh chấp để xoa dịu tình hình.
Tuy nhiên, ông Yi phản đối Mỹ tham gia vào vấn đề Biển Đông và cho rằng căng thẳng trong khu vực chỉ nên do các nước có liên quan trực tiếp giải quyết. "Hãy tin vào chúng ta, người châu Á dùng các biện pháp và sự thông minh châu Á để giải quyết vấn đề của riêng chúng ta", quan chức này nói.
Ông Yi tiếp tục lặp lại luận điệu trắng trợn rằng quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và ngang nhiên cho rằng Bắc Kinh có mọi quyền để xây dựng trên các hòn đảo nhằm cải thiện điều kiện sống tại đó.
Truyền thông Hong Kong đưa tin Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập, tuy nhiên, ông Yi trả lời ông không biết đến kế hoạch đó.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí và nguồn lợi thủy sản phong phú. Nước này ngày càng gia tăng những hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở vùng biển này, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Hồi tháng 5 Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và điều hơn 100 tàu hộ tống, khiến tình hình căng thẳng tăng cao. Sau hai tháng, trước phản ứng cương quyết từ phía Hà Nội, Bắc Kinh đã di dời giàn khoan cùng toàn bộ tàu về đảo Hải Nam.
Vũ Thảo