Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 26/4 cho biết Mỹ sẽ chuyển vaccine cho các nước khác khi có sẵn. Có thể 10 triệu liều sẽ được chuyển đi "những tuần tới", trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6.
"Hiện chúng tôi không có sẵn liều lượng AstraZeneca", Psaki nói, đồng thời lưu ý rằng cơ quan quản lý Mỹ vẫn cần xem xét chất lượng những sản phẩm đã được sản xuất và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang quyết định quy trình để xác định quốc gia cũng như cách thức chia sẻ vaccine.
"Chúng tôi sẽ xem xét một loạt lựa chọn từ các quốc gia đối tác của chúng tôi và tất nhiên, phần lớn trong số đó sẽ thông qua các mối quan hệ trực tiếp", bà cho hay.
Vaccine AstraZeneca vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Chính quyền Biden hồi tháng 3 cho biết họ sẽ gửi khoảng 4 triệu liều vaccine AstraZeneca tới Canada và Mexico. Mỹ đang chịu áp lực ngày càng lớn về mở rộng chia sẻ kho dự trữ với Ấn Độ, nơi đang chống chọi đợt bùng phát tồi tệ nhất, và các nước khác.
Hiện chưa rõ vaccine sẽ được chuyển tới đâu. Tổng thống Biden hôm 26/4 điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cam kết "ủng hộ kiên định của Mỹ đối với người dân Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng của đợt gia tăng ca Covid-19 gần đây".
"Mỹ đang cung cấp loạt hỗ trợ khẩn cấp, gồm các nguồn cung cấp liên quan oxy, vật liệu vaccine và phương pháp điều trị", Biden nói với Modi.
Người phát ngôn của AstraZeneca không thể bình luận về chi tiết cụ thể thỏa thuận cung cấp vaccine của Mỹ, nhưng cho biết lượng vaccine nói trên là một phần trong cam kết cung cấp của họ với chính phủ Mỹ. "Quyết định gửi nguồn cung của Mỹ đến các nước khác do chính phủ Mỹ đưa ra", bà nói.
AP trước đó đưa tin vaccine sẽ được chia sẻ trong những tháng tới sau khi FDA phê duyệt.
Thông báo của Mỹ được đưa ra khi nguồn cung nội địa của nước này ngày càng được đảm bảo nên khó có khả năng sẽ cần đến AstraZeneca. Những người chỉ trích cáo buộc Washington "tích trữ" AstraZeneca, loại vaccine chưa được cấp phép và nhiều khả năng sẽ không được yêu cầu tiêm chủng cho người Mỹ.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)