Trong thời gian qua, "bờ vực tài khóa" luôn là tâm điểm chính và là nỗi lo sợ lớn nhất của các nhà đầu tư phố Wall. Các nhà chiến lược thị trường nhận định nếu Mỹ rơi vào "bờ vực tài khóa" - xuất phát từ chương trình tăng thuế và giảm chi tiêu của chính phủ - thì niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh sẽ bị thương tổn nặng nề, và kinh tế Mỹ sẽ mất một khoảng thời gian trượt dài trong suy thoái. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà lập pháp Mỹ có thể thực hiện những thay đổi nhằm đảo ngược một số tác động.
Điều này được thể hiện rõ rệt qua việc thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa hề cho thấy dấu hiệu hoảng loạn hoặc sụp đổ, thay vào đó chỉ giảm nhẹ và có đôi chút biến động trong tháng 12. Tuy nhiên, cho đến khoảng thời gian này, một nỗi lo ngại khác bắt đầu xuất hiện và thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì đã diễn ra trong những tuần trước đó.
Các nhà đầu tư lo ngại những tranh cãi pháp lý về nâng trần nợ có thể gây hoảng loạn cho các thị trường như năm 2011. |
Hôm 26/12, Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner cảnh báo, nợ công Mỹ có thể kịch trần 16.400 tỷ USD vào ngày 31/12. Đây thực sự là một thông tin vô cùng đáng lo lắng với các nhà đầu tư, bởi nếu Washington không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, nhiều khả năng nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, bị hạ cấp tín dụng hoặc tệ hơn là gây ra một làn sóng hoảng loạn cho các thị trường tài chính thế giới.
Nhà Trắng mới đây tuyên bố sẽ không đàm phán trần nợ như trong năm 2011. Tuy nhiên, nước Mỹ một lần nữa có thể sẽ phải đối mặt với cuộc chiến trần nợ như thời điểm cách đây một năm, và sự lặp lại của cuộc chiến đó chính là thứ đáng lo ngại nhất đối với thị trường vào lúc này, các nhà kinh tế nhận định.
Trong năm 2011, thời điểm diễn ra cuộc chiến trần nợ, các thị trường đã phải đựng tổn thất khá nặng nề. Thậm chí, ngay cả khi dự luật nâng trần nợ được quốc hội thông qua, các cổ phiếu vẫn tiếp tục lao dốc. Đây có thể xem là một cuộc "bỏ phiếu bất tín nhiệm" dành cho Washington, đồng thời cho thấy những tranh cãi không hồi kết về nợ công của các nhà hoạch định chính Mỹ đã đẩy đất nước tới bờ vực vỡ nợ như thế nào.
Hậu quả của cuộc chiến trần nợ chính là việc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's quyết định hạ xếp hạng tín dụng Mỹ từ AAA xuống AA+, đồng thời nhấn mạnh những vướng mắc trong pháp lý của Washington chính là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ bị hạ xếp hạng. Chỉ trong vòng 4 tuần sau khi Mỹ mất xếp hạng AAA, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 16%.
Nhà đồng sáng lập công ty môi giới trực tuyến TradeMonster.com, ông Jon Najarian, nhận định: "Chắc chắn sẽ có một cuộc chiến lớn về trần nợ giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đây cũng là rủi ro lớn nhất trong tháng 1 đối với thị trường chứng khoán nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung".
Các dấu hiệu trên thị trường quyền chọn cũng cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu để mắt tới những diễn biến trong tháng 1với sự cảnh giác cao độ.
Hôm 26/12, chỉ số CBOE Volatility Index,chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, đã đóng cửa ở mức 22,72 điểm, tăng gần 17% so với thời điểm cao nhất hồi tháng 6, sau khi các chi tiết về cuộc họp giữa tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện được công bố. Ngay sau cuộc họp này, giá các loại cổ phiếu đã đồng loạt giảm.
"Các nhà đầu tư thực sự choáng váng khi tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo vẫn bế tắc trong việc đưa ra một giải pháp, đó là lý do vì sao các nhà đầu tư đồng loạt bán ra", đối tác quản lý kiêm thương nhân tại Direct Access Partners LLC, ông Mike Shea, cho biết.
Dự kiến Hạ viện Mỹ và tổng thống Obama sẽ tiếp tục làm việc cả kỳ nghỉ lễ mừng năm mới để tìm ra giải pháp chung, giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi "bờ vực tài khóa". Ông Obama cũng đề xuất giữ nguyên mức thuế hiện tại đối với tất cả người dân Mỹ, ngoại trừ nhóm có thu nhập cao nhất.
Tuần này, sẽ có một loạt dữ liệu kinh tế được công bố, trong đó đáng chú ý là niềm tin tiêu dùng Mỹ. Các nhà phân tích nhận định niềm tin tiêu dùng Mỹ sẽ vẫn chưa bị ảnh hưởng nởi bờ vực tài khóa, đồng thời được củng cố bởi sự phục hồi của thị trường nhà đất và sự tăng trưởng trong thị trường lao động, dù vẫn còn chậm.
Trong khi đó, số liệu việc làm dự kiến sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ 6 (4/1/2013) cùng với bảng lương phi nông nghiệp. Các nhà phân tích dự kiến trong tháng 12 thị trường việc làm Mỹ sẽ có thêm 145.000 việc làm mới, phù hợp với mức tăng trưởng trong thời gian gần đây.
Theo Gafin