"Mỹ và hơn 50 quốc gia đang cùng hỗ trợ để đảm bảo Ukraine có đủ khả năng chống đỡ Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 2/12 khi thông báo về gói viện trợ quân sự 725 triệu USD cho Kiev.
Theo ông Blinken, gói viện trợ mới sẽ gồm tên lửa phòng không vác vai Stinger, đạn dược cho pháo phản lực HIMARS, máy bay không người lái, mìn chống bộ binh và nhiều thiết bị khác.
Reuters cho biết đây là lần đầu Mỹ xuất khẩu mìn chống bộ binh trong hàng chục năm, dù ông Biden từng ra lệnh cấm loại vũ khí này.
Gói viện trợ bổ sung cho thấy Tổng thống Joe Biden đang tăng cường sử dụng Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Các thông báo viện trợ Ukraine theo PDA gần đây thường dao động trong khoảng 125-250 triệu USD. Ông Biden còn 4-5 tỷ USD trong PDA đã được quốc hội phê duyệt và dự kiến giải ngân toàn bộ cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức ngày 20/1/2025.
Ông Trump được dự đoán sẽ thay đổi chiến lược của Mỹ với Ukraine, do ông từng chỉ trích các khoản viện trợ cho Kiev và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Các quan chức Mỹ nói rằng mìn chống bộ binh chạy bằng pin và không thể kích nổ khi đã cạn pin, do đó sẽ tự động vô hiệu hóa sau khoảng thời gian nhất định và giảm nguy cơ gây thương vong dân thường trong tương lai. Washington kỳ vọng Kiev sẽ sử dụng mìn chống bộ binh "trong lãnh thổ của mình và tránh xa các khu vực đông dân cư".
Một quan chức Mỹ nói rằng quyết định được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận trong nội bộ chính quyền Biden. Một số cố vấn của Tổng thống Mỹ lo ngại động thái cung cấp loại mìn chống bộ binh có thể gây ra hậu quả lâu dài cho dân thường và làm phức tạp thêm tình hình nhân đạo tại Ukraine.
Những người ủng hộ quyết định nhấn mạnh cung cấp mìn chống bộ binh là cần thiết để giúp làm chậm bước tiến của quân đội Nga, tạo điều kiện cho lực lượng Ukraine tổ chức phòng thủ hiệu quả hơn.
Các tổ chức nhân quyền và một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về quyết định của chính quyền Biden. Bên cạnh lo ngại về thương vong dân thường và thách thức trong rà phá bom mìn hậu chiến, việc Mỹ chuyển mìn chống bộ binh cho Ukraine có thể làm suy yếu các nỗ lực quốc tế nhằm cấm hoàn toàn loại vũ khí này.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)