Hai nguồn tin am hiểu vấn đề hôm 24/3 cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa Myanmar Economic Corporation (MEC) and Myanmar Economic Holdings (MEHL) vào danh sách đen và đóng băng bất kỳ tài sản nào của họ tại Mỹ. Động thái này có thể diễn ra sớm nhất trong ngày 25/3.
Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức chính quyền dân sự với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Hàng trăm nghìn người Myanmar biểu tình gần như mỗi ngày kể từ đó để phản đối đảo chính, yêu cầu thả bà Suu Kyi và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử.
Lực lượng an ninh Myanmar đã mạnh tay trấn áp biểu tình, sử dụng vòi rồng, hơi cay, thậm chí cả đạn thật để đối phó, khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 275 người đã chết và hơn 2.600 người bị bắt từ khi biểu tình bùng phát, song các nhà quan sát cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trước sức ép từ dư luận quốc tế, quân đội Myanmar hôm 24/3 thả hơn 600 người biểu tình.
Mỹ và các nước phương Tây đang ngày càng gây áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu (EU) đầu tuần này ra lệnh đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh với thống tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội và lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Biện pháp trừng phạt tương tự cũng được áp dụng với 11 quan chức chính quyền quân sự Myanmar.
Các nhà ngoại giao EU nói rằng MEHLvà MEC nhiều khả năng cũng sắp bị khối này trừng phạt nhằm ngăn các nhà đầu tư và ngân hàng EU giao dịch với họ.
Huyền Lê (Theo Reuters)