Liều vaccine tăng cường dự kiến được tiêm cách liều đầu tiên 8 tháng. Kế hoạch phụ thuộc vào một số bước quan trọng trong tuần tới. Trong đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cần chính thức tuyên bố liều ba vaccine Pfizer và Moderna là an toàn. Đây là hai loại vaccine tung ra đầu tiên và được sử dụng nhiều nhất ở nước này.
Pfizer đã đệ trình các dữ liệu cần thiết lên FDA. Moderna và Viện Y tế Quốc gia vẫn đang nghiên cứu xem nên tiêm nửa liều hay cả liều, hy vọng kết quả có trong thời gian sớm nhất. Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stephane Bancel, cho biết công ty có kế hoạch nộp hồ sơ lên FDA vào tháng 9.
Giới chức sẽ công bố chiến lược tiêm cụ thể trong cuộc họp của Nhà Trắng ngày 18/8. Người sinh sống tại viện dưỡng lão, nhân viên y tế và nhân viên cấp cứu là nhóm được ưu tiên, giống với chương trình tiêm chủng ban đầu. Tiếp theo là người lớn tuổi khác và phần còn lại của dân số nói chung.
Giới chức dự kiến sử dụng cùng loại vaccine với hai liều đầu tiên cho người dân. Điểm tiêm chủng chính là nhà thuốc.
Cơ quan quản lý dược phẩm không khuyến khích người dân tự ý tiêm liều tăng cường. Họ lưu ý FDA vẫn chưa đưa ra dữ liệu an toàn và hiệu quả của chúng. Giới chức hy vọng chương trình tiêm bổ sung sẽ được thực hiện tuần tự, có tổ chức, chứ không chỉ dựa trên nỗi lo sợ của bất cứ ai.
Tiến sĩ Danny Avula, điều phối viên vaccine của bang Virginia, cho biết đã có hàng nghìn cơ sở đủ khả năng tiêm liều tăng cường mà không cần có sự điều chỉnh. "Điều khiến chương trình tiêm chủng hồi tháng 1 đến tháng 4 gấp gáp và rối loạn là hạn chế về nguồn cung", ông nói.
Đến nay, chính phủ đã dự trữ hơn 100 triệu liều vaccine chỉ để sử dụng cho chiến dịch tiêm tăng cường. Hàng chục triệu liều khác đã được chuyển đến các hiệu thuốc và cơ sở y tế. Rất nhiều lô vaccine dự kiến giao trong mùa thu này.
Tại cuộc phỏng vấn ngày 17/8, bác sĩ và người đứng đầu các bệnh viện nhìn chung ủng hộ tiêm liều vaccine thứ ba. Tiến sĩ Matthew Harris, giám đốc chương trình tiêm chủng tại Hệ thống Northwell Health, New York, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta sắp hết cả cơ hội thứ hai. Điều khiến tôi lo ngại là khả năng vaccine không hiệu quả trên biến thể. Nếu đây là cách để đi trước, tôi hoàn toàn đồng tình".
Giới chức liên bang cũng mong muốn tiêm bổ sung cho người đã dùng vaccine Johnson & Johnson loại một liều. Song chính phủ mới triển khai vaccine này hồi tháng 3, trên khoảng 14 triệu người. Con số ít hơn nhiều so với 155 triệu người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna. Dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng của Johnson & Johnson sẽ được trình lên FDA vào cuối tháng này.
Giới chức lo ngại nếu không tiêm bổ sung, người đã chủng ngừa có thể nhiễm nCoV và trở nặng trong những tháng tới do hai yếu tố xảy ra đồng thời: tác động mạnh mẽ của biến thể Delta và khả năng bảo vệ từ vaccine bị suy yếu.
Dữ liệu từ Bộ Y tế Israel được xem như dấu hiệu cảnh báo. Nó cho thấy miễn dịch từ vaccine suy yếu trong tháng 6 và tháng 7, một thời gian sau tiêm chủng. Đối với người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm vaccine Pfizer trong tháng 1, hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng nặng giảm xuống còn 55%. Tuy nhiên, biên độ sai số rất lớn. Các chuyên gia cho biết dữ liệu từ nghiên cứu khác tích cực hơn.
Thục Linh (Theo NY Times)